Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

10:10, 18/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong chiến tranh, vợ chồng ông đều tích cực tham gia chiến đấu, bám đất, giữ làng. Thời bình, ông lại tiên phong làm kinh tế, góp phần xây dựng quê hương. Đó là vợ chồng thương binh 2/4 Trương Văn Một (81 tuổi), khu dân cư Ruộng Vỡ, thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành).

TIN LIÊN QUAN

Kiên cường trong kháng chiến

Đến bây giờ ông Một vẫn nhớ như in về những ác liệt của chiến tranh trong những năm 1968- 1969. Được sự phân công của tổ chức, ông Một đảm nhận bảo vệ kho lương thực của huyện. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nên ông luôn ngày đêm bám trụ, đảm bảo an toàn cho kho lương thực. Trong khi đó, địch thì ngày đêm dội bom, bố ráp, hòng cắt đứt nguồn lương thực chi viện cho tiền tuyến. Trong một lần chuẩn bị gài mìn, chống lại cuộc đổ bộ của quân Mỹ xuống kho lương thực, ông Một đã bị thương.

 

Ông Trương Văn Một bên vườn sầu riêng cơm vàng hạt lép cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trương Văn Một bên vườn sầu riêng cơm vàng hạt lép cho hiệu quả kinh tế cao.


Sau khi được chữa trị tại Bệnh xá B25, lòng quyết tâm đánh giặc của ông Một càng trở nên mạnh mẽ hơn. Ông cùng đồng đội ngày đêm vận chuyển lương thực, đạn dược và đưa chiến sĩ cách mạng bị thương về phía sau để điều trị. Có những hôm xuôi thuyền chở thương binh, bị địch phát hiện dùng súng bắn tứ phía, nhưng ông  vẫn vững tay chèo đưa bộ đội đến nơi an toàn. “Đã tham gia làm cách mạng là không màng đến chuyện sống chết. Thế nên, dù cho mưa bom bão đạn trên đầu, tôi vẫn luôn thực hiện hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức giao”, ông Một chia sẻ.

Tuy không đi bộ đội, nhưng vợ ông Một là bà Nguyễn Thị Niếp cũng là một hậu phương vững chắc cho cách mạng, luôn tích cực cùng ông Một tham gia đưa thương binh đi cấp cứu. “Lúc đó, không ai bảo ai, cứ thấy làm được việc gì cho cách mạng là mình tham gia. Nhớ nhất là, lúc tôi mới sinh con được một tháng, nhưng thấy bộ đội bị thương nhiều quá, nên tôi đành đưa con xuống dưới hầm và cùng với những người khác tham gia chuyển thương binh vượt sông đến bệnh xá. Nếu không chuyển kịp thời, địch phát hiện sẽ cho máy bay thả bom thì rất nguy hiểm”, bà Niếp nhớ lại.
 

Ghi nhận những đóng góp của ông Một trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, mới đây, ông Một đã được Huyện ủy Nghĩa Hành biểu dương “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018.

Tiên phong làm kinh tế

Hòa bình lập lại, nhiều người cùng thế hệ ông Một đã xuôi về thành thị để sinh sống. Thế nhưng, với suy nghĩ của một thương binh nặng lòng với nơi mình đã sống và chiến đấu, vợ chồng ông Một quyết định bám trụ vùng đất đồi núi đến cùng, dù cuộc sống lúc bấy giờ vô cùng khó khăn.

Để có điều kiện chăm lo cho gia đình, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, vợ chồng ông đã cùng nhau khai hoang đất để trồng trọt và phát triển chăn nuôi. Với bản tính cần cù của người lính Cụ Hồ, cùng với sự ham học hỏi trong làm kinh tế, nên chẳng bao lây vợ chồng ông Một đã biến vùng đất bị bom đạn cày xới trong chiến tranh trở thành mảnh đất màu mỡ, xanh mướt.

Giờ đây, bước vào khu vườn rộng cả hécta của ông Một, ai cũng ngỡ như đến xứ miệt vườn của miền Tây sông nước. Trong vườn có đủ các loại cây trái, như măng cụt, chôm chôm, chuối ngự...

Ngay cả loại cây còn khá mới mẻ với đất và người Quảng Ngãi lúc bấy giờ, cũng được ông mang từ Bình Phước về trồng. Hơn 40 năm trôi qua, những cây sầu riêng trồng sau ngày giải phóng, giờ cũng đã già theo tuổi của vợ chồng ông. Thế nhưng, nhờ sự tiên phong này mà đời sống kinh tế của gia đình ông ngày một khấm khá. Còn người dân Quảng Ngãi thì được thưởng thức những loại đặc sản cây trái của sứ sở miền Nam và Tây Nguyên, nhưng mang đậm hương vị của vùng đất trung du Nghĩa Hành.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng mang lại, vợ chồng ông Một tiếp tục đầu tư trồng thêm 80 gốc sầu riêng hạt lép cơm vàng. Đến nay, vườn sầu riêng của ông đã cho thu hoạch gần 1,3 tấn/vụ. Với giá bán 70.000 đồng/kg, vợ chồng ông thu về khoảng 90 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ được chăm sóc theo quy trình an toàn sinh học và để quả chín tự nhiên, nên sầu riêng của ông Một có vị thơm ngon đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng.

Giờ đây, các con của ông đều đã yên bề gia thất, nhưng vợ chồng ông Một thì chưa bao giờ có ý định sẽ rời xa khu vườn cây ăn quả của mình. Vì thế, cứ mỗi lần có người gợi ý chuyện ông chuyển về nơi khác sống, ông Một chỉ cười rồi bảo: “Mình may mắn mới sống đến ngày hôm nay, trong khi bao nhiêu anh em, đồng đội khác đã mãi mãi nằm lại dưới lòng đất. Bởi thế, mình phải sống làm sao cho trọn vẹn nghĩa tình với mảnh đất quê hương”.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 

 


.