(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc quản lý, kê khai nộp thuế trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiều kiểu trốn thuế
Hoạt động KDVT có đặc thù rất cơ động, không có địa điểm, luồng tuyến cố định; phạm vi hoạt động rộng khắp trên cả nước, xe mang biển số nơi khác, nhưng hoạt động trên địa bàn tỉnh và ngược lại... Đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này rất đa dạng. Nhiều trường hợp, người có tên trong giấy đăng ký phương tiện thì không tham gia kinh doanh, thậm chí một số phương tiện chuyển nhượng qua rất nhiều người, nhưng không làm thủ tục sang tên, dẫn đến trốn thuế trước bạ...
Cần tăng cường quản lý thuế vận tải hành khách, hàng hóa để chống thất thu cho ngân sách. |
Trước thực trạng đó, năm 2017, ngành thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa ngành thuế, Sở GTVT và các đơn vị liên quan trong chống thất thu thuế KDVT. Nhờ đó, số lượng phương tiện KDVT và số thuế lập bộ hằng năm đã tăng lên, góp phần tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các ngành trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, nên nguồn thu chưa đạt. Tình trạng gian lận thuế, số lượng xe KDVT chưa kê khai nộp thuế chiếm tỷ trọng lớn, nhất là xe vận tải hàng hóa. Một số hộ kinh doanh “lách” không đóng thuế, bằng cách đăng ký gia nhập vào các hợp tác xã vận tải ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng thực chất vẫn hoạt động trên địa bàn Quảng Ngãi...
Ngoài ra, nhiều chủ phương tiện vận tải hợp đồng với các DN trong và ngoài tỉnh để chạy thuê; một số chủ phương tiện xin nghỉ hoạt đồng, song thực tế vẫn kinh doanh, nhưng cơ quan quản lý chưa đủ cơ sở và chế tài mạnh trong công tác quản lý, truy thu, buộc chủ phương tiện nộp thuế.
Cục Thuế Quảng Ngãi đang quản lý thuế đối với 153 doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh với 1.179 phương tiện, tăng 729 phương tiện so với năm 2017. Số thuế lập bộ cả năm 2018 gần 10 tỷ đồng, tăng hơn 5 tỷ đồng so với năm trước. |
Bịt lỗ hổng bằng cách nào?
Tình trạng quản lý thu thuế trong hoạt động KDVT không triệt để, đã dẫn đến việc “so bì” giữa các hộ kinh doanh trong cùng ngành nghề. Đối với các hộ đã đưa vào quản lý thu thuế thì chây ỳ không chấp hành nộp thuế, nợ thuế kéo dài hoặc lách luật để không phải đóng thuế... Riêng các chủ phương tiện nằm ngoài diện quản lý thì tìm mọi cách để trốn thuế, gian lận thuế.
Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi Nguyễn Văn Luyện cho rằng, cái khó hiện nay là việc quản lý thuế vận tải vẫn thực hiện tại đơn vị gốc. Nghĩa là, khi đi ra khỏi tỉnh, phương tiện vận tải đó thuộc cơ quan thuế tỉnh ngoài quản lý, nhưng thực tế phương tiện vận tải vẫn hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ GTVT cần có cơ chế quản lý chung, phối hợp với Tổng cục Thuế thống nhất trong cả nước để việc quản lý thuế KDVT đi vào nền nếp, chống thất thu cho ngân sách.
Đối với các chủ phương tiện vận tải nằm ngoài danh sách, dẫn đến mất công bằng trong quản lý thuế, các địa phương cần phối hợp với ngành giao thông rà soát để đưa vào diện quản lý. Tiến hành cưỡng chế các chủ phương tiện cố tình chây ỳ, không chấp hành nộp thuế; đồng thời, thông báo cho ngành giao thông biết để không cấp giấy phép kinh doanh, phù hiệu cho các trường hợp này, nhằm tạo môi trường KDVT bình đẳng, góp phần tăng thu cho ngân sách.
Bài, ảnh: HỒNG HOA