Cho vay đầu tư bất động sản: Lo ngại việc thu hồi nợ

08:09, 20/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh hiện đang rất sôi động. Hàng loạt các dự án khu dân cư, khu đô thị (KDC, KĐT) được tỉnh cho phép nghiên cứu, phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai thi công và lên sàn giao dịch, nên dòng chảy tín dụng vào BĐS bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.

TIN LIÊN QUAN

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 508 doanh nghiệp (DN) thành lập, với tổng vốn đăng ký gần 4.500 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2017 thì số DN tăng 5,2%, nhưng vốn đăng ký giảm 64%. Điều này cho thấy, DN mới thành lập chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít.

 

Khách hàng giao dịch tại Agribank Quảng Ngãi.                                                                                                                                        Ảnh: T.Nhị
Khách hàng giao dịch tại Agribank Quảng Ngãi. Ảnh: T.Nhị

Đặc biệt, trong số các DN mới thành lập này, tỷ lệ DN có chức năng kinh doanh BĐS chiếm đến hơn 50%. Nhiều DN BĐS mới thành lập đã kéo theo những dự án KDC, KĐT gia tăng đột biến. Hiện tại, chỉ tính riêng địa bàn TP.Quảng Ngãi đã có hơn 70 dự án KDC, KĐT. Tính chung cả tỉnh con số này đã lên đến khoảng 110 dự án. Sự gia tăng các dự án BĐS cũng đã kéo dòng tín dụng đổ vào BĐS tăng theo.

"Đối với dự án KDC, KĐT, ngân hàng chỉ xem xét cho vay tối đa 30% tổng mức đầu tư, do lĩnh vực đầu tư này có nhiều rủi ro, phụ thuộc lớn vào thị trường. Hơn  nữa, khả năng thị trường tiêu thụ BĐS thời gian đến sẽ chậm, việc thu hồi vốn sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, cho DN vay đầu tư KDC, KĐT ngân hàng phải thẩm định rất kỹ".


Giám đốc Agribank Quảng Ngãi ĐINH VĂN CÔNG

Theo thống kê, Quảng Ngãi hiện có 25 ngân hàng thương mại đang hoạt động. Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay giữ vững nhịp ổn định từ 5 - 7%, hoạt động tín dụng được kiểm soát khá chặt chẽ. Mặc dù cho vay đầu tư BĐS tăng, nhưng mức cho vay từng dự án không cao.

Hiện tại, Quảng Ngãi có nhiều KDC, KĐT từ nông thôn đến thành phố, số lô nền từ các dự án này đã vượt quá nhu cầu về chỗ ở của người dân trong tỉnh. Một số dự án đang mở rộng sàn giao dịch ra các tỉnh, thành phố lân cận, song người đầu tư chưa mấy mặn mà vì khả năng sinh lời của BĐS ở Quảng Ngãi còn nhiều hạn chế.

 Một số ngân hàng như BIDV, Vietcombank... tuy không nói rõ những băn khoăn khi cho vay đầu tư BĐS, nhưng hiện tại việc cho vay cũng bắt đầu siết chặt hơn. Hầu hết ngân hàng chỉ chọn DN lớn, có kinh nghiệm kinh doanh BĐS và vị trí dự án có khả năng sinh lời khi lên sàn giao dịch. Tuy nhiên, giá trị cho vay của các ngân hàng cũng chỉ nằm ở mức 40 - 60% tổng mức đầu tư.

Hiện nay, xu thế cho vay BĐS không chỉ là trực tiếp đầu tư cho DN mà còn "lách" sang cho vay nhà ở. Ngân hàng trực tiếp đàm phán với nhà đầu tư kinh doanh nhà ở, KDC để bảo trợ tài chính cho khách hàng. Các dự án lớn như Bắc Lê Lợi, An Phú Sinh, Phát Đạt, Ngọc Bảo Viên, VSIP, Phú An Khang, Nghĩa An, Mỹ Khê - Trà Khúc... khi khách hàng có nhu cầu mua, ngân hàng có thể đầu tư tối đa đến 80% tổng số tiền ký kết trong hợp đồng mua nhà, chuyển nhượng đất.

Theo thống kê của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam chi nhánh Quảng Ngãi, dư nợ tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm 2018, trong đó tín dụng BĐS tăng khoảng 4%, có thời điểm lên đến 8%, khiến dòng tín dụng có dấu hiệu đổ khá nhiều vào thị trường địa ốc. Tổng dư nợ cho vay mua nhà ở, đầu tư BĐS trong tỉnh lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư lấy dự án BĐS làm tài sản thế chấp vay ngân hàng, phải chịu áp lực trả nợ với lãi suất dao động từ 9,8 - 10,5%/năm, trong khi sức tiêu thụ BĐS chậm, dẫn đến khả năng thu hồi vốn của các ngân hàng bắt đầu gặp khó khăn.


          THANH NHỊ




 


.