Siết chặt cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán

11:05, 30/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng siết chặt việc cho vay trong một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... Đồng thời tập trung nguồn vốn cho vay trung, dài hạn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

TIN LIÊN QUAN

Để điều hành và đưa hoạt động tín dụng đi đúng quỹ đạo, hạn chế những rủi ro, ngay từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản, vay tiêu dùng và chứng khoán. Các ngân hàng phải thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Dung Quất.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Dung Quất.


Với lĩnh vực vay tiêu dùng, các ngân hàng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, các điều kiện vay vốn, để hạn chế rủi ro phát sinh. Các ngân hàng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, tránh tình trạng cho vay tiêu dùng, nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Tại Quảng Ngãi, những năm gần đây, thị trường bất động sản phát triển mạnh, giá tăng cao. Nhiều người đã vay vốn ngân hàng để đầu tư vào lĩnh vực này. Giám đốc LienVietPosBank Dung Quất Lê Thanh Nghị cho biết: “Chi nhánh hiện có gói dành cho khách hàng vay mua bất động sản ở dự án 577, Ngọc Bảo Viên... nhưng chỉ giải quyết cho vay mua làm nhà ở cá nhân. Những khách hàng này, LienVietPostBank chỉ thẩm định cho vay 70% giá trị lô đất hiện tại, thời gian vay lên đến 20 năm; căn cứ vào khả năng trả nợ từ tiền lương, tiền công của người vay để làm tiêu chí cho vay. Còn vay mua bất động sản để kinh doanh trong thời gian ngắn, ngân hàng không giải quyết”.

Một số ngân hàng siết chặt cho vay bất động sản bằng cách tăng lãi suất, như Eximbank áp dụng biểu lãi suất cho vay mới đối với các khoản vay mua nhà, đất tăng thêm 1%/năm so với trước (11%/năm). Như vậy, lãi suất cho vay hiện nay đã tăng từ 0,7- 0,9%/năm. Trường hợp vay dài hạn, lãi suất thời điểm giải ngân lên đến 12,5%/năm. So với trước, lãi suất cho vay mua, xây, sửa nhà tại một số ngân hàng cổ phần đã tăng khoảng 2%/năm.

Siết chặt không có nghĩa là cấm

Với một số ngân hàng thương mại cổ phần, cho vay tiêu dùng để mua nhà, mua đất, mua xe... xác định đây là phân khúc đầy tiềm năng. Do vậy, thay vì dành vốn cho các DN, nhiều ngân hàng đã tập trung vào phân khúc bán lẻ, nhất là cho vay tiêu dùng. Bởi theo các ngân hàng, siết chặt không có nghĩa là cấm, đối tượng khách hàng diện này là cán bộ, công nhân viên chức có nguồn thu nhập ổn định, giá trị khoản vay chỉ vài trăm triệu đồng trở lại, nên khả năng trả nợ đảm bảo và khó xảy ra nợ xấu.

Theo Giám đốc MB Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Thành, việc Ngân hàng Nhà nước “siết chặt” cho vay tiêu dùng là nhằm mục đích đưa phân khúc này đi đúng quỹ đạo, tránh tình trạng các ngân hàng “lách” cho vay bất động sản, nhưng lại đưa vào nhóm cho vay tiêu dùng.

 


Bài, ảnh: HỒNG HOA



 


.