(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, tỉnh và chính quyền các địa phương đã quan tâm hỗ trợ về đào tạo nghề, cho vay vốn ưu đãi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân... Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề ở nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, các thiếu nữ người dân tộc thiểu số ăn mặc gần giống như người Kinh, nên trang phục bằng thổ cẩm hầu như chỉ còn tồn tại trong các lễ hội, hoặc dùng làm trang trí, khiến cho nghề này đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, trên 30 phụ nữ được gọi là nghệ nhân ở các huyện vùng cao của tỉnh, trong đó chủ yếu là huyện Ba Tơ thì vẫn duy trì nghề này, không chỉ với tâm nguyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn góp phần giải quyết việc làm khi hết mùa vụ.
Làng nghề sản xuất bánh tráng ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành). |
Còn đối với người dân thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), nghề bó chổi đót cũng đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ trong thôn lúc nông nhàn.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 21 làng nghề. Trong đó, UBND tỉnh quyết định công nhận cho 1 làng nghề, 5 làng nghề truyền thống và 7 nghề truyền thống. Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề duy trì ổn định. Riêng 6 làng nghề đã được công nhận hiện có khoảng 623 cơ sở hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động, doanh thu ước đạt hơn 160 tỷ đồng. |
Chị Thượng Thị Loan, người có thâm niên trên 25 năm làm nghề bó chổi đót chia sẻ: “Tuy không phải là nghề chính, nhưng nghề này cũng đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho chị em. Song do nguồn vốn vay ưu đãi còn hạn hẹp, khiến chúng tôi chưa chủ động được trong khâu chuẩn bị nguồn nguyên liệu”.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, nhất là các làng nghề cần đầu tư máy móc hiện đại, như nghề rèn ở Tịnh Minh (Sơn Tịnh), nghề mây tre đan ở Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi)...
Hiện nay, đa số các làng nghề trong tỉnh sản xuất với quy mô nhỏ, nguồn vốn ưu đãi còn hạn hẹp, nên các cơ sở khó đầu tư mở rộng sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề vẫn chưa được quan tâm, nhất là các làng nghề sản xuất chế biến bún tươi, làng nghề chế biến hải sản, tái chế lốp xe...
Các cơ sở sản xuất chưa có sự liên kết với nhau để tạo ra hàng hóa lớn, có giá trị cao đủ để cung cấp cho thị trường. Một số làng nghề đang dần bị mai một, chỉ còn một vài hộ gia đình sản xuất, kinh doanh theo đơn đặt hàng. Do đó, tỉnh cần có nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển.
Bài, ảnh: HỒNG HOA