(Báo Quảng Ngãi)- Do giá thu mua mía, mì xuống thấp, không ổn định; cùng với đó là do tập quán sản xuất của người dân chậm đổi mới, nên việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mía, mì trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đây cũng là thách thức cho việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích đến năm 2025 là 4.400ha, trên địa bàn 54 xã thuộc 8 huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà và Ba Tơ. Riêng giai đoạn 2017-2020, tổng diện tích quy hoạch vùng mía nguyên liệu là 4.300ha, năng suất 70 tấn/ha, chữ đường bình quân từ 10-10,2%.
Cần hình thành vùng sản xuất nguyên liệu mì tập trung để thuận lợi trong canh tác và thu mua. Ảnh: M.HOA |
Mới đây, HĐND tỉnh đã có tờ trình Nghị quyết quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía với diện tích 5.200ha. Theo đó, vùng quy hoạch trồng mía tập trung là những vùng có quy mô diện tích từ 5ha trở lên, có khả năng dồn điền đổi thửa để hình thành cánh đồng lớn, thuận lợi cho đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... Việc tổ chức quy hoạch là cần thiết, nhằm tạo ra vùng nguyên liệu mía có quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, diện tích vùng nguyên liệu mía hiện nay của tỉnh chỉ thực hiện được khoảng 50% diện tích quy hoạch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho rằng: Thuế suất APTA về 0 đồng, nên giá đường xuống thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành mía đường, nên việc quy hoạch diện tích mía và mì cũng cần xem lại. Thực tế người dân không muốn trồng cây mía nữa, họ chuyển sang trồng cây keo xen canh cây mì. |
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Trần Ngọc Phương cho biết: Diện tích mía trong tỉnh hiện chỉ có 2.400-2.500ha. Vụ mía 2017, công ty thu hoạch khoảng 130 nghìn tấn, năng suất 56-57 tấn/ha, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra. “Cách đây 3 năm, giá đường dao động khoảng 16-17 nghìn đồng/kg, nên giá mua mía tại ruộng từ 900 nghìn - 1 triệu đồng/tấn mía.
Nhưng từ năm 2018, Nhà nước xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, nên giá đường liên tục giảm. Để chia sẻ khó khăn với người dân, công ty mua mía với giá 700 nghìn đồng/tấn, cao hơn 50 nghìn đồng/tấn so với khuyến khích của Hiệp hội mía đường Việt Nam. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, công ty không thể thu mua mía với giá cao hơn được nữa.
Vụ mía vừa qua, Nhà máy Đường Phổ Phong chỉ ép 50% công suất và liên tục lỗ (năm 2016 lỗ 10 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 8 tỷ đồng). Cũng theo ông Phương, tuy đã cải tạo giống, áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất, nhưng năng suất mía trong tỉnh chỉ đạt khoảng 57 tấn/ha; trong khi thực hiện tại tỉnh Gia Lai thì đạt 71 tấn/ha.
Vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất đối với Nhà máy chế biến tinh bột mì Tịnh Phong và Sơn Hải cũng đang rơi vào cảnh “nơi thừa, chỗ thiếu”. Dù giá thu mua củ mì ổn định ở mức 1.700-2.000 đồng/kg, nhưng việc sản xuất và thu mua sản phẩm của 2 nhà máy này gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do diện tích vùng mì nguyên liệu phân tán, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi, nên năng suất bình quân chỉ đạt 170 tạ/ha.
Sau khi Nhà máy Bio Ethanol ngừng hoạt động, UBND tỉnh chỉ đạo 2 Nhà máy mì Tịnh Phong và Sơn Hải thu mua toàn bộ mì của dân (14.000ha thuộc vùng nguyên liệu quy hoạch cho Nhà máy Bio Ethanol). “Đây là vùng nguyên liệu của Bio Ethanol, nên không thể áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân. Chúng tôi mong UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh vùng nguyên liệu cho phù hợp với thực tế”, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi Ngô Văn Tươi bày tỏ.
Bài, ảnh: M.HOA-L.ĐỨC