(Báo Quảng Ngãi)- Với 280 dự án đầu tư/tổng vốn đăng ký 11,17 tỷ USD còn hiệu lực, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đang là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp bền vững, công tác bảo vệ môi trường cần phải đặt lên hàng đầu.
Những điểm sáng
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã và đang đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế của Quảng Ngãi. Đây cũng là điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường, khi liên tiếp 2 năm (2017 – 2018) đều đạt Top 10 “Nhà máy xanh thân thiện”, do Trung ương Hội Kinh tế Môi trường trao tặng.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất là một điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường. |
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn Khương Lê Thành cho biết: Thời gian qua, công ty đã quản lý, vận hành NMLD Dung Quất sản xuất, kinh doanh an toàn, ổn định, liên tục và hiệu quả. Công ty đã xây dựng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có hệ thống quản lý môi trường được xây dựng theo tiêu chuẩn ISO 14001.
Mặc dù NMLD Dung Quất có những mối nguy về chất thải lỏng, rắn, chất thải nguy hại... nhưng công tác xử lý được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, các chất thải (khí, lỏng, rắn) đưa ra môi trường đều thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định. Công ty đã đầu tư các thiết bị xử lý chất thải hiện đại; phối hợp với các công ty xử lý môi trường tiến hành thu gom, phân loại, xử lý chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, chất thải rắn... Riêng hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy được đánh giá hoạt động tốt.
Tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, một số cơ sở sản xuất nằm gần trong khu dân cư, khu tái định cư. Do đó, khi đi vào hoạt động đã bị người dân cản trở, do gây ô nhiễm môi trường, như Nhà máy Xi măng Đại Việt (KKT Dung Quất); Trạm Xử lý nước thải tập trung KCN Quảng Phú... |
Nhà máy Doosan Vina và KCN VSIP Quảng Ngãi cũng là các điểm sáng về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Doosan Vina đã xây dựng, vận hành hệ thống xử lý chất thải đáp ứng các quy chuẩn môi trường theo quy định trước khi xả thải ra môi trường. KCN VSIP Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng và vận hành Nhà máy Xử lý nước thải công nghiệp tập trung, với công suất thiết kế 6.000m3/ngày đêm (hiện vận hành 600m3/ngày đêm), với công nghệ xử lý tiên tiến, đảm bảo quy định trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án VSIP Quảng Ngãi còn đầu tư hệ thống quan trắc tự động 24/24 giờ để giám sát nước thải sau xử lý.
Còn nhiều vấn đề đặt ra
Để bảo vệ môi trường, các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt. Tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các KCN như: Trạm Xử lý nước thải công nghiệp tập trung tại Phân khu công nghiệp Sài Gòn – Dung Quất (giai đoạn 1, công suất 2.500m3/ngày đêm) và tại KCN Quảng Phú (công suất 4.500m3/ngày đêm); đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Tịnh Phong (giai đoạn 1, công suất 1.000m3/ngày đêm), dự kiến hoàn thành năm 2019...
Tuy nhiên, trên thực tế công tác quản lý môi trường ở KKT Dung Quất và các KCN tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, tức là thủ tục về môi trường phải thực hiện trước thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, nếu dự án thực hiện xong thủ tục về môi trường nhưng không đảm bảo điều kiện để cấp quyết định chủ trương đầu tư, thì sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, do nguồn lực còn hạn chế nên hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ môi trường của KKT Dung Quất và các KCN tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Khả năng cảnh báo, dự báo diễn biến chất lượng môi trường còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường chưa đạt yêu cầu cả về quy mô lẫn tính chất; mức xử phạt vi phạm còn thấp, chưa mang tính răn đe...
Bài, ảnh: PHẠM DANH