Doanh nghiệp chế biến thủy sản: Nâng cao giá trị cạnh tranh

05:08, 22/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá thu mua cao, thị trường tiêu thụ thu hẹp, nhưng một số doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động, nhờ lựa chọn mặt hàng sản xuất.

TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp năng động

Hai năm qua, sản phẩm chả cá và chả mực của Công ty TNHH MTV Kitasea, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Chả cá Kitasea được các DN ở KKT Dung Quất và các KCN trong tỉnh tin tưởng lựa chọn để chế biến suất ăn cho công nhân. Còn chả mực cũng được người tiêu dùng ưu ái gán cho cái tên “Chả mực Quảng Ngãi”.

 

 Chế biến theo phương thức truyền thống, nên chả mực của Kitasea ngày càng
Chế biến theo phương thức truyền thống, nên chả mực của Kitasea ngày càng "được lòng" người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.


Để có được thành quả ấy, Công ty Kitasea đã phải vật lộn với quá trình lựa chọn sản phẩm thương hiệu. “Sản phẩm hải sản hiện rất đa dạng trên thị trường, mình phải tìm loại mới, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của đa số người tiêu dùng. Hơn nữa, sản lượng cá và mực do ngư dân trong tỉnh khai thác khá nhiều, sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất chả cá và chả mực”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kitasea Nguyễn Thị Ly  lý giải.

Ngoài việc lựa chọn và sử dụng nguồn nguyên liệu tươi, Kitasea cũng áp dụng quy trình chế biến kiểu truyền thống, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm của Kitasea ngày càng “được lòng” người tiêu dùng. Riêng chả mực Kitasea đã và đang có mặt ở khắp các thị trường trong Nam, ngoài Bắc.

Tại KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin cũng ra mắt thị trường các sản phẩm hải sản tẩm ướp, bên cạnh dòng sản phẩm truyền thống của công ty là “hải sản khô một nắng”. Ngoài chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, các sản phẩm hải sản của DN còn đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc-vốn được xem là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu. Chính vì vậy, không chỉ các đối tác trong nước, mà DN này cũng chiếm được “lòng tin” các DN nước ngoài, nên hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả.

Nỗi lo thiếu nguyên liệu

Mặc dù vậy, nhiều DN chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn lo lắng, vì tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu, dẫn đến việc bị động trong hoạt động sản xuất. Đại diện Công ty TNHH Thanh An - Chi nhánh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Tú cho rằng: “Nguồn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh nhiều lúc không đủ cung ứng, nên DN phải thu gom từ các tỉnh lân cận. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, nhất là việc chậm trả đơn hàng cho đối tác”.

Thực tế, 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng khai thác hải sản giảm, nên ngoài việc bị động nguồn nguyên liệu trong sản xuất, nhiều DN cũng gặp rất nhiều khó khăn do giá các mặt hàng hải sản tăng cao. So với cùng kỳ năm 2017, giá mực nang tăng từ 200.000 đồng/kg lên 260.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường trong tỉnh.

Ngoài nguyên nhân mất mùa biển, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu xuất phát từ việc ngư dân ít trở về các cảng biển trong tỉnh để bán sản phẩm. Năm 2017, sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh đạt 185.000 tấn, nhưng có gần 170.000 tấn, chiếm đến 90% được bán ở ngoài tỉnh. Điều này là do hệ thống các cảng cá trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, các luồng lạch cũng như nơi neo đậu tàu thuyền đã bị bồi lấp, khiến tàu thuyền ra vào gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, do hậu cần nghề cá trên biển hiện nay phát triển khá mạnh, nhiều tàu lớn ra tận ngoài khơi để thu mua hải sản, nên thay vì trở về, ngư dân chọn cách bán trên biển, để giảm chi phí. Vì vậy, bên cạnh nội lực cũng như sự sáng tạo trong quá trình sản xuất, các DN chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh mong muốn các ngành chức năng quan tâm đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng phục vụ nghề cá, khơi thông các cảng biển, luồng lạch, đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngư dân cũng như DN.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.