(Báo Quảng Ngãi)- Tại TP.Quảng Ngãi, ngoài các siêu thị, trong 2 năm trở lại đây có thêm một số cơ sở, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sạch, thực phẩm nuôi trồng theo phương thức tự nhiên. Đến nay, dù mới có 8 cơ sở kinh doanh các mặt hàng rau - củ - quả, trái cây, thịt... nhưng cũng tạo ra được một nét mới trên thị trường còn nhiều tiềm năng này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo kinh nghiệm của những người kinh doanh thực phẩm sạch, dù nhu cầu hiện nay rất lớn, nhưng sức cạnh tranh trong ngành hàng này chưa thật sự gay gắt. Điều này cũng có nghĩa, chỉ một tỷ lệ nhỏ người tiêu dùng (NTD) tiếp cận được với thực phẩm sạch. Vì thế, thực phẩm sạch cũng là một thị trường vô cùng hấp dẫn đối với người kinh doanh, dự báo sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Nhiều mặt hàng thực phẩm sạch được kinh doanh tại cơ sở thực phẩm Naganic, số 79 Trương Định, TP.Quảng Ngãi. |
Giữa năm 2017, chị Nguyễn Thị Khánh Hòa kinh doanh mặt hàng đầu tiên là nho Ba Mọi từ Ninh Thuận. Đến cuối năm 2017, chị chính thức ra mắt cửa hàng tại địa chỉ 107 Nguyễn Bá Loan. Chị cho biết, việc kinh doanh mục đích đầu tiên cũng là để tìm thực phẩm sạch và an toàn cho nhà mình, rồi sau đó mở rộng dần dần phục vụ khách hàng. Đến nay, cửa hàng đã có khoảng 10 - 15 mặt hàng trái cây theo mùa, trái cây nhập khẩu; các loại trái cây vườn trong nước, rau xanh...
“Để đảm bảo cho các sản phẩm có chất lượng và sạch, an toàn, thì trái cây lấy tại các vườn, không bao giờ lấy ở vựa. Các loại sản phẩm trái cây theo mùa nhập từ Mỹ, Úc, New Zealand. Còn rau thì duy nhất lấy từ vườn rau an toàn Nghĩa Dũng”, chị Hòa cho hay.
Tham gia thị trường từ tháng 1.2018, đến thời điểm này, mỗi ngày cơ sở thực phẩm sạch Naganic ở 79 Trương Định có khoảng 30-40 lượt khách hàng đến mua. Đến nay, Naganic đã khai trương cửa hàng thứ 2. Anh Võ Thành Hòa - chủ cơ sở cho hay, kinh doanh thực phẩm sạch hay thực phẩm trồng tự nhiên rất khó. Đầu tiên, nguồn hàng không phải lúc nào cũng có, mà phải theo mùa; sản phẩm cũng phải phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Cùng với những nguồn hàng nhập khẩu và từ các cơ sở sản xuất đã có chứng nhận an toàn, anh Hòa còn đầu tư trang trại nuôi heo sạch và trồng một số loại rau sạch tại huyện Nghĩa Hành.
Chị Nguyễn Thị Tựu, ở phường Nghĩa Lộ cho biết: "Tôi là khách hàng thường xuyên của các cửa hàng bán thực phẩm sạch. Đồ ăn thức uống có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng vẫn yên tâm hơn là mua ngoài chợ dù giá thành có cao hơn".
Nắm bắt được tâm lý cùng với nhu cầu tăng cao của NTD, nhiều cửa hàng thực phẩm sạch cũng thực hiện kinh doanh online. Chị Lê Thị Nga-chủ Cửa hàng “Rau rừng Trần gia” ở đường Hai Bà Trưng cho hay: “Kinh doanh online giúp việc quảng cáo sản phẩm và nắm thị hiếu khách hàng dễ dàng hơn, vì mình được “đối thoại trực tiếp” với NTD từ lúc khách đặt hàng cho tới khi sản phẩm tới tay khách, cùng phản hồi về sản phẩm để kịp thời thay đổi hoặc đáp ứng tốt nhất yêu cầu”.
Các chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch đều có chung nhận định: Để chứng nhận “sạch” và “an toàn”, đối với các sản phẩm hữu cơ thì có giấy chứng nhận của cơ sở cung cấp; trong khi đó, các sản phẩm vườn lại không thể có chứng nhận bằng giấy tờ được, nên phải lấy uy tín của mình ra mà đảm bảo. Do đó, để duy trì được một cửa hàng thực phẩm sạch không phải là chuyện “một sớm một chiều” mà phải có những kế hoạch dài hơi.
Bài, ảnh: VŨ YẾN