Thực phẩm sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn: Nói dễ, làm khó

02:10, 31/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mạnh ai nấy làm nấy bán, khiến thực phẩm kém an toàn tràn lan, còn cơ quan chức năng thì lúng túng trong việc kiểm tra và quản lý. Điều này không chỉ khiến thị trường bất ổn vì người tiêu dùng mất niềm tin, mà còn đẩy các sản phẩm an toàn và đảm bảo chất lượng rơi vào cảnh... chết yểu!

TIN LIÊN QUAN

Cha chung không ai khóc

Thủy sản “tắm” kháng sinh, thịt gia súc, gia cầm “rửa” hóa chất, rau được trồng bằng chất kích thích sinh trưởng... Những thông tin trên tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến người tiêu dùng hoang mang và đắn đo mỗi khi lựa chọn thực phẩm.

Có trường hợp người tiêu dùng còn “tẩy chay” sản phẩm được cho là “kém chất lượng, không an toàn”. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, mọi việc lắng xuống và người tiêu dùng đành phải mua sản phẩm mà mình đã từng tẩy chay vì... nhu cầu! Đơn cử như mặt hàng rau.

Để có sản phẩm sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn cần có tiếng nói chung của người sản xuất, người tiêu dùng và cơ quan quản lý.
Để có sản phẩm sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn cần có tiếng nói chung của người sản xuất, người tiêu dùng và cơ quan quản lý.


Thông tin người trồng rau sử dụng thuốc kích thích để rau “lớn nhanh, xanh mướt” khiến người tiêu dùng e ngại và quay lưng. Động thái này đã đẩy người trồng rau rơi vào cảnh “bán không được, giữ cũng chẳng xong”. Và để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, không ít người trồng rau đã chuyển sang sản xuất rau an toàn với hy vọng giá bán và đầu ra sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, kết quả lại là rau an toàn “chết yểu” vì không cạnh tranh được với rau chợ.

Theo ông Huỳnh Văn Khanh, người trồng rau ở thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) thì: "Xảy ra thực trạng trên là do người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề an toàn”. Ông Khanh dẫn dụ, vì chi phí sản xuất rau an toàn tăng, nên giá bán cũng cao hơn so với rau thông thường.

Tuy nhiên, người tiêu dùng lại không chấp nhận sự tăng giá này và lại lựa chọn sản phẩm rẻ hơn. “Người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhưng lại không chia sẻ khó khăn với chúng tôi, như thế là bất công bằng”, ông Khanh đặt vấn đề.

Với lý do trên, không chỉ ông Khanh mà nhiều hộ trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh đành quay lại với kiểu sản xuất truyền thống. Và, chất lượng của sản phẩm cũng phụ thuộc vào lương tâm của mỗi người sản xuất!

Thực phẩm an toàn - Đừng hô hào, khẩu hiệu

Nguyên nhân khiến thực phẩm an toàn không có chỗ đứng trên thị trường có nhiều. Trong đó phải kể đến công tác quản lý và kiểm soát lỏng lẻo. Ngay như mặt hàng rau an toàn, người tiêu dùng cho rằng không phải họ ham rẻ, mà vấn đề là họ không có cơ sở để phân biệt được sản phẩm nào đảm bảo chất lượng.

“Ra chợ, ai cũng cam kết rau, thịt mình bán là sạch, không có hóa chất nhưng đó là họ nói, chứ có cơ sở pháp lý nào đâu. Vì vậy, người tiêu dùng chúng tôi cũng chỉ biết trông chờ vào lương tâm của người bán mà thôi”, bà Trần Thị Hồng, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, người sản xuất cho rằng “lỗi là do ngành chức năng”. Theo ông Huỳnh Văn Khanh, ngay khi áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn, ông đã nhiều lần nhờ các đơn vị liên quan trợ giúp việc kiểm tra, kiểm soát và quản lý sản phẩm. Nhưng hơn ba năm thực hiện, ông Khanh vừa sản xuất, vừa tìm kiếm thị trường tiêu thụ và phải chứng minh “mức độ an toàn” cho sản phẩm của mình nên khá mệt mỏi, đành buông xuôi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Bình - Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho rằng, vấn đề kiểm soát và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên thị trường hiện nay rất khó khăn. Bởi, ngoài nguồn lực hạn hẹp thì việc sản xuất thực phẩm diễn ra theo kiểu mạnh ai nấy làm, còn công tác quản lý lại rời rạc “mỗi ngành một khúc”.

“Bên cạnh đó, dù đã có quy hoạch nhưng việc sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn nhỏ lẻ, manh mún và chưa có nhiều mô hình sản xuất chuyên canh. Đã thế, cơ cấu cây trồng bất nhất, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, nên người dân cũng khó sản xuất ra những sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng”, ông Bình nhìn nhận.

Với quá nhiều vướng mắc nên xem ra con đường xây dựng một nền sản xuất an toàn, sản phẩm sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn vẫn còn khá dài. Nhất là khi người sản xuất, người tiêu dùng và cơ quan quản lý chưa tìm được tiếng nói chung.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.