(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 100 của Chính phủ về cho vay xây dựng nhà ở xã hội chính thức triển khai trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến nguồn vốn chưa được giải ngân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Còn nhiều bất cập
Theo quy định, khi làm hồ sơ thẩm định để thế chấp vay, giá đất theo đơn giá của UBND tỉnh quá thấp, trong khi đó, điều kiện vay lại quy định trường hợp xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán, hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Như vậy, nếu chiếu theo điều kiện trên thì số tiền người vay được sẽ rất ít.
Được Ngân hàng CSXH tỉnh phân bổ 700 triệu đồng để triển khai cho vay nhà ở xã hội, huyện Đức Phổ đã ưu tiên nguồn vốn trên cho 4 xã trong huyện. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, nhiều địa phương đã đề xuất xin được trả lại vốn. Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Nguyễn Thịnh cho biết thêm, do mỗi hộ vay chưa được 50 triệu đồng, nên có nhiều hộ không vay. Vì thế, huyện thống nhất xin trả lại nguồn vốn này. |
Bà Võ Thị Lãm, ở xã Bình Trung (Bình Sơn) chia sẻ: “Theo giá đất của Nhà nước, lô đất có diện tích hơn 300m2 của gia đình tôi chỉ có giá trị trên 40 triệu đồng. Mặt dù lãi suất có ưu đãi, nhưng phải thế chấp sổ đỏ để vay, nhưng số tiền ngân hàng giải quyết cho vay quá ít, nên tôi quyết định không vay nữa”. Đây cũng là tình trạng chung của các hộ vay vốn làm nhà ở tại các xã nông thôn, miền núi trong tỉnh.
Bên cạnh đó, theo quy định, địa chỉ trên sổ đỏ của người vay phải đúng với địa chỉ nơi cư trú, nhưng thực tế thì không phải hộ nào cũng có hồ sơ vay đúng như vậy, trong khi họ là hộ khó khăn về nhà ở.
Được biết, Trung ương phân bổ cho tỉnh 10 tỷ đồng để cho vay mua, xây nhà ở xã hội, nhưng thực tế nhu cầu vay của người dân là rất lớn. Do nguồn vốn có hạn, nên khi phân bổ cho các địa phương cũng phải “xé nhỏ”. Các huyện, thành phố chỉ có thể lựa chọn một vài xã, phường để phân bổ vốn, nhưng cũng có nơi chỉ được phân bổ 100 triệu đồng. Trong khi đó, nhu cầu của một hộ vay tối thiểu cũng từ 100 - 200 triệu đồng.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Các địa phương cho rằng, cần tập trung vốn cho khu vực thị trấn, đô thị, vì ở những nơi này giá đất cao, sẽ đáp ứng được yêu cầu vay. Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 là cơ hội để hộ nghèo, người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách ở tất cả các xã từ nông thôn đến thành thị có thể tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, để thực hiện ước mơ có nhà. Vì vậy, cần có một giải pháp cụ thể để nguồn vốn đến được tay những hộ cần vốn.
Trước những vướng mắc trên, Ngân hàng CSXH tỉnh đã kiến nghị Ngân hàng CSXH Trung ương xem xét, cho phép các chi nhánh căn cứ vào giá đất thị trường để triển khai cho vay. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ, cần có quy định về định giá tài sản thế chấp do cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, nhưng tối đa không quá 2-3 lần giá của UBND tỉnh quy định. Mặt khác, cần có hướng dẫn rõ giấy xác định địa chỉ hộ khẩu thường trú và các thủ tục liên quan khác, để có cơ sở cho vay.
HỒNG HOA