(Báo Quảng Ngãi)- Để đảm bảo hiệu quả, giảm rủi ro trong chăn nuôi, các địa phương trong tỉnh đang hướng đến phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung gia trại, trang trại, liên kết với doanh nghiệp (DN).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lợi ích từ chăn nuôi tập trung
Trước đây, gia đình ông Phan Văn Đông, thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) nuôi gà theo hướng truyền thống, do chưa áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, nên dịch bệnh và gà tăng trưởng chậm. Năm 2010, ông Đông mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi gà với quy mô hàng nghìn con.
Với diện tích hơn 7.000m2 đất vườn, ông Đông xây dựng 5 ô chuồng với 5 hệ thống điện sưởi ấm cho gia cầm. Nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi nên đàn gà của ông ít bị dịch bệnh. Đến nay, tổng đàn gà của ông Đông khoảng 7.000 con/năm, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.
Chăn nuôi tập trung, liên kết với doanh nghiệp, giúp người chăn nuôi giảm rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Còn với anh Phan Thanh Cẩn, thôn Thuận Hòa, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), sau thành công với mô hình nuôi heo thịt theo hình thức liên kết cùng DN, anh mạnh dạn đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi gà khép kín. Toàn bộ thiết bị, từ hệ thống làm mát, quạt gió, đến máng nước uống đều lắp đặt tự động, có cả hệ thống loa âm thanh giúp đàn gà ít bị dịch bệnh, sinh trưởng khỏe và tăng trọng nhanh.
Trung bình mỗi năm anh thả nuôi 4 lứa, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Cơ sở của anh còn tạo việc làm cho gần chục lao động trong vùng, với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Cẩn chia sẻ: “Đầu ra của sản phẩm đã có một DN bao tiêu, nên rất yên tâm. Phát triển chăn nuôi có liên kết trên tinh thần hợp tác, chia sẻ lợi nhuận, mang lại hiệu quả, giúp người chăn nuôi phát triển ổn định, không bị tác động bởi thị trường”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có khoảng 83 trang trại chăn nuôi, 34 trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng cây lâm nghiệp (tăng gấp 3 lần so với năm 2013). Có 2 trại chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP. Nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi đã liên kết với các doanh nghiệp từ cung cấp con giống, thức ăn, đến tiêu thụ sản phẩm. |
Không chỉ anh Cẩn, ở huyện Nghĩa Hành còn có 13 trang trại và 275 gia trại trồng trọt và chăn nuôi. Trong số đó, có 8 trang trại chăn nuôi có hợp đồng với DN thu mua sản phẩm. Đặc biệt, có 1 trang trại chăn nuôi heo tại xã Hành Thuận được cấp giấy chứng nhận VietGAP, sản lượng thịt heo xuất chuồng 600 tấn/năm.
Hướng đến chăn nuôi bền vững
Ngoài một số trang trại tự đầu tư và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều trang trại chăn nuôi heo thịt và gà thịt ký hợp đồng nuôi gia công với Công ty CP C.P, Công ty CP Thái Việt Swine line, Công ty CP Greenfeed...
Việc thực hiện liên kết theo chuỗi giúp người chăn nuôi tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, được DN cung cấp con giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp có chất lượng, giảm rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế và cung cấp cho thị trường sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, để tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thu hút DN đầu tư chế biến mặt hàng nông sản, ngành nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao vai trò quản lý về vật tư đầu vào và hướng dẫn các chủ trang trại áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp với từng loại hình trang trại (VietGAP), tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Xây dựng mô hình trang trại sạch, ứng dụng công nghệ cao và liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đa số các trang trại chăn nuôi tập trung và các hộ chăn nuôi quy mô lớn đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải bằng hầm biogas, qua lắng lọc sau đó thải ra môi trường, hoặc xử lý bằng đệm lót sinh học. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có hiệu quả khi tổng đàn gia súc, gia cầm nuôi với số lượng ổn định, tránh tăng số lượng đàn gây vượt quá công suất thiết kế chuồng trại ban đầu, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực này...
Bài, ảnh: HỒNG HOA