Khởi động dự án "Sáng kiến chăn nuôi cho hộ nghèo" tại huyện miền núi Sơn Tây

07:04, 29/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Sơn Tây là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi, với số đông đồng bào Hrê, Cadong sinh sống. Do đó, đời sống dân trí, dân sinh còn thấp. Nhiều năm qua, địa phương này đã tranh thủ nhiều nguồn lực để tìm ra sinh kế thoát nghèo bền vững cho người dân, từng bước đem lại hiệu quả khả quan.

TIN LIÊN QUAN

Đáng chú ý, huyện vừa khởi động dự án “Sáng kiến chăn nuôi cho hộ nghèo” với mục tiêu chính nhằm cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nghèo có trẻ em; nâng cao năng suất, chất lượng các loại vật nuôi chính; cải thiện sự tiếp cận thị trường đầu vào và đầu ra cho các sản phẩm chăn nuối chủ chốt; cải thiện thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ và người chăm sóc trẻ có con dưới 5 tuổi…
 
Dự án “Sáng kiến chăn nuôi cho hộ nghèo” được triển khai trong giai đoạn từ 2017- 2020 (1/10/2017- 30/9/2020), với tổng vốn đầu tư dự án là 4.000USD tương đương gần 3 tỷ đồng Việt Nam. Nguồn vốn này do tổ chức Tầm nhìn thế giới Hoa Kỳ tài trợ.
 
Heo Kiềng Sắt.
Heo kiềng sắt một trong những mô hình chính nằm trong dự án được triển khai ở vùng cao Sơn Tây. Ảnh: Hiển Cừ.
 
7 xã thuộc vùng dự án gồm: Sơn Long, Sơn Dung, Sơn Mùa, Sơn Bua, Sơn Liên, Sơn Tân, Sơn Màu. Đối tượng thụ hưởng gồm những hộ dân có trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; hộ nghèo hoặc cận nghèo; hộ đang tham gia hoặc sẽ tham gia câu lạc bộ dinh dưỡng của chương trình vùng; những hộ có tiềm năng, năng lực nhất định để chăn nuôi.
 
Dự án triển khai 3 mô hình chính là: Nuôi heo Kiềng Sắt (có tên gọi khác là lợn cỏ); nuôi vịt xiêm đen sinh sản; trồng cây chuối mốc.
 
Trạm Khuyến nông huyện đánh giá, các loại vật nuôi, cây trồng được lựa chọn có đặc tính dễ nuôi, dễ trồng, khả năng thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; chi phí đầu tư thấp…
 
Tham gia dự án, các hộ (2 hộ/xã; 14 hộ/ 7 xã) sẽ được tập huấn kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt; được cấp phát vật tư, con giống, cây trồng ( cụ thể cấp 2 con heo/ hộ; 10 con vịt/ hộ và 30 gốc chuối/ hộ). 
 
Theo tính toán từ Trạm Khuyến nông huyện, hiệu quả kinh tế từ các mô hình này đem lại rất cao. Chỉ tính riêng mô hình nuôi heo Kiềng Sắt, sau 24 tháng nuôi, tổng thu của mô hình hơn 972 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn thu lợi hơn 405,6 triệu đồng. Trong đó, lợi nhuận của một hộ là gần 14,5 triệu đồng…
 
Qua đó, có thể thấy, dự án này rất thiết thực, có tiềm năng trong bối cảnh nhiều huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi đang loay hoay giải “ bài toán” thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Những “cần câu cơm” được giao đúng đối tượng, đúng mục đích sẽ giúp cho các hộ đặc biệt khó khăn của huyện có động lực vươn lên trong cuộc sống, vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế nông hộ.
 
Được biết, thông qua Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam, ngoài huyện Sơn Tây, Tổ chức Tầm nhìn thế giới Hoa Kỳ đã hỗ trợ thực hiện Dự án này tại các huyện khó khăn của Việt Nam gồm: huyện Hải Lăng (Quảng Trị); huyện Minh Long (Quảng Ngãi).
 
G.Nghi
 

.