(Báo Quảng Ngãi)- Hệ thống trạm bờ biển đặt tại Văn phòng UBND các xã, huyện đã được chính quyền địa phương giám sát và vận hành hiệu quả. Điều này không chỉ giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, mà còn hình thành mối liên kết đặc biệt giữa đất liền và biển, đảo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sản xuất trên biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc, nhất là khi các sự cố thiên tai, tai nạn trên biển liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo thiên tai trên biển còn hạn chế, nên hầu hết ngư dân chỉ nắm bắt thông tin thời tiết qua việc kết nối trực tiếp máy ICOM với các Đài Thông tin duyên hải khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang qua sóng radio. Vì vậy, chính quyền cơ sở và ngành chức năng trong tỉnh luôn trăn trở để tìm giải pháp khắc phục.
Hệ thống trạm bờ biển giúp ngư dân và chính quyền cơ sở trao đổi, tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời. |
Năm 2015, khi Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ hỗ trợ đầu tư và lắp đặt các trạm bờ biển tại các xã Bình Châu (Bình Sơn), Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), UBND huyện Đức Phổ và Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, thì chính quyền và ngư dân đã bớt lo lắng.
Để tương tác qua hệ thống trạm bờ biển, ngư dân chỉ cần đến UBND xã đăng ký số tàu, số điện thoại rồi kích hoạt tần số thì hai bên có thể liên lạc với nhau. Hiện hệ thống này đã giúp chính quyền địa phương và ngành chức năng liên lạc, giám sát ngư dân khai thác thủy sản ở các vùng biển trong cả nước. |
Ngư dân Nguyễn Đức Vỹ, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho biết, nếu Đài duyên hải giúp ngư dân nắm bắt kịp thời những thông tin thời sự, cập nhật diễn biến thời tiết, thì trạm bờ biển là nơi hỗ trợ bà con khi gặp bất trắc trên biển. Vì khi xảy ra sự cố hay gặp rủi ro, ngư dân sẽ kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và ngành chức năng để được hướng dẫn phương án ứng phó an toàn, cũng như triển khai thực hiện hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn.
Không chỉ ông Vỹ, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, các Đài duyên hải và hệ thống trạm bờ biển đã giúp họ hạn chế nhiều thiệt hại khi gặp sự cố trong quá trình khai thác thủy sản trên biển. “Ngư dân thông báo thông tin, chính quyền tiếp nhận kịp thời, nên việc cứu hộ cứu nạn được phối hợp thực hiện nhịp nhàng và hiệu quả. Điều này giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”, ngư dân Nguyễn Lành, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho hay.
Theo chính quyền các địa phương, ngoài hệ thống trạm bờ biển, UBND các xã ven biển còn phối hợp với lực lượng biên phòng tại địa phương tổ chức tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ pháp luật khi khai thác thủy sản. Nhất là việc chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. “Ngoài ra, trạm bờ biển cũng là kênh thông tin để ngư dân phản hồi việc tàu lạ xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi luôn cử cán bộ trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận và báo cáo lên cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Nguyễn Tấn Lái cho biết.
Hơn 3 năm qua, việc quản lý và vận hành hiệu quả các trạm bờ biển đã giúp ngư dân phòng tránh những sự cố do thiên tai, hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình khai thác thủy sản; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành việc báo cáo, cập nhật tình hình đánh bắt trên biển cho chính quyền địa phương và ngành chức năng. Điều này không chỉ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: MỸ HOA