(Báo Quảng Ngãi)- Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong những năm trước thì nay gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh quá lớn. Trong khi đó, một số ngành hàng mới đã tìm được thị trường tốt, nên kim ngạch xuất khẩu không ngừng gia tăng. Do đó, các ngành chức năng cần nghiên cứu, tham mưu tỉnh xác định lại cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ lực, để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), góp phần đạt 1 tỷ USD vào năm 2020 như chỉ tiêu tỉnh đề ra.
TIN LIÊN QUAN
Gỗ dăm, linh kiện điện tử giảm
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt khoảng 258 triệu USD, tăng 11,9% so cùng kỳ, đạt 57,4% kế hoạch năm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, nguyên liệu giấy (dăm gỗ), may mặc, linh kiện điện tử... lại giảm mạnh.
Gia công mặt hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Vinatex Đức Phổ (CCN Phổ Hòa). |
Cụ thể, linh kiện điện tử, chỉ đạt 4,3 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ; dăm gỗ ước đạt 45 triệu USD, giảm 24%; thủy sản chế biến đạt 8 triệu USD, giảm gần 13%. Nguyên nhân sụt giảm đối với mặt hàng linh kiện điện tử chủ yếu là do sản lượng xuất khẩu của Công ty TNHH điện tử FOSTER Quảng Ngãi (KCN Tịnh Phong) giảm mạnh. Theo Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương), do việc đàm phán, ký kết từ công ty mẹ của Foster Quảng Ngãi với đối tác Mỹ không thành công, nên thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.
"Mặc dù kim ngạch xuất khẩu ở giữa kỳ đạt chưa cao (chỉ tiêu 450 triệu USD năm 2018), nhưng Quảng Ngãi vẫn có nhiều cơ sở để đạt chỉ tiêu đề ra vào cuối năm 2020. Bởi lẽ, trong một vài năm tới, nhiều nhà máy, DN có mặt hàng xuất khẩu lớn, như Thép Hòa Phát Dung Quất... sẽ đi vào hoạt động".
|
Với dăm gỗ, nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh là do giá dăm gỗ trên thế giới liên tục giảm. Giá dăm gỗ xuất khẩu năm 2016 là 128 - 130 USD/tấn; năm 2017 chỉ còn 125 USD/tấn và 6 tháng đầu năm 2018 bình quân chỉ khoảng 123 USD/tấn. Giá dăm gỗ giảm kéo theo giá gỗ keo được các nhà máy thu mua của người dân cũng giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 900.000 đồng/tấn (giảm từ 90.000 - 120.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước).
Mặt khác, tình hình cạnh tranh xuất khẩu dăm gỗ hiện nay trên địa bàn Quảng Ngãi đang xuất hiện dấu hiệu bất thường. Theo Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, sự cạnh tranh của DN cùng ngành quá khắc nghiệt, các DN muốn xuất được hàng phải liên tục hạ giá thành. Đáng lo ngại hơn là, có tình trạng DN lớn trước đây đứng ở bên Trung Quốc thu mua dăm gỗ, nay xây dựng nhà máy ngay cảng biển và thành lập thêm nhiều DN vệ tinh theo tính chất "gia đình" nên thâu tóm lĩnh vực thu mua và xuất khẩu gỗ dăm, khiến một số DN chế biến gỗ dăm vừa và nhỏ của tỉnh không thể cạnh tranh và có nguy cơ phá sản.
Xuất hiện nhiều DN xuất khẩu mới
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi có thêm 3 DN tham gia xuất khẩu, gồm Công ty TNHH chế biến gỗ Minh Dương Dung Quất xuất khẩu bàn ghế gỗ đi thị trường Hàn Quốc; Công ty TNHH điện tử Sumida Quảng Ngãi xuất khẩu thiết bị điện tử sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Brazil, Hongkong, Singapore; Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi PTSC xuất khẩu cấu kiện thép đi Philippines. Với 3 DN này, kim ngạch xuất khẩu mang về cho Quảng Ngãi là 50 triệu USD.
Chế biến, xuất khẩu gỗ dăm tại Công ty TNHH Hào Hưng (KKT Dung Quất). |
Hiện tại, mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao nhất của Quảng Ngãi là sản phẩm cơ khí gần 54 triệu USD, tinh bột mì 48,2 triệu USD, dầu FO 36,5 triệu USD, sợi bông 25,7 triệu USD... Trong đó, mặt hàng tinh bột mì có mức tăng trưởng mạnh nhất, với hơn 30% so với cùng kỳ 2017. Sự tăng trưởng trở lại của mặt hàng tinh bột mì sau nhiều năm sụt giảm, đã làm cho người nông dân an tâm hơn với cây mì và hiện tại một số nhà máy đã bắt đầu tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu, để đảm bảo ổn định, phát triển bền vững ngành hàng này.
Trong tháng 7.2018, Sở Công thương sẽ báo cáo tổng hợp tình hình xuất khẩu ước cả năm 2018 và đánh giá giữa kỳ thực hiện chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cho cả giai đoạn 2016- 2020, để tham mưu cho tỉnh đề ra giải pháp phấn đấu đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.
Bài, ảnh: THANH NHỊ