(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đã và đang triển khai nhiều hoạt động, nhiệm vụ khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý hoạt động nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường tại huyện đảo Lý Sơn – nơi được quy hoạch là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.
Thực hiện nhiều dự án bảo vệ tài nguyên
Với đề tài khoa học “Thực nghiệm các giải pháp kỹ thuật trong canh tác tỏi ở huyện đảo Lý Sơn”, sau 2 năm triển khai (2015 – 2017), các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ đã nghiên cứu các giải pháp thực hiện theo phương thức không bổ sung đất, không thay cát như tập quán sản xuất của người dân Lý Sơn.
Huyện Lý Sơn cần tuyên truyền người dân thực hiện giải pháp trồng hành, tỏi không cần thay cát, đất bazan theo đề tài khoa học đã nghiên cứu thành công. |
Thay vào đó là phương thức loại bỏ lớp cát cũ, cày xới lớp đất bazan từ vụ trước và dùng xác thực vật, phân bón vô cơ, vi sinh để cải tạo đất. Kết quả, năng suất và chất lượng tỏi không sụt giảm so với phương thức truyền thống, hiệu quả kinh tế tăng từ 13,7 - 31,9 triệu đồng/ha... Riêng cây hành, năng suất cả hai vụ xuân hè và hè thu đều không giảm so với trồng theo kiểu truyền thống. Đây là thực nghiệm khoa học hữu ích, được xem là hướng đi mới, giúp người trồng hành, tỏi ở Lý Sơn vừa phát triển kinh tế theo hướng bền vững, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên đất đỏ bazan, cát biển của địa phương.
Cũng với mục tiêu phục hồi và quản lý rạn san hô tại Lý Sơn, từ tháng 6.2015 đến nay, Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô khu vực ven biển, ven bờ Lý Sơn” đã trồng và phục hồi được 2ha trên nền đáy tự nhiên, góp phần phục hồi san hô trong Khu bảo tồn biển ở Lý Sơn đang có nguy cơ suy giảm.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rạn san hô dần suy giảm, nhưng nguyên nhân chính vẫn là tác động của con người. Vì vậy, dự án không chỉ phục hồi san hô, mà còn tư vấn, tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ rạn san hô, để từ đó, người dân vừa bảo vệ được môi trường, vừa kết hợp phát triển du lịch cộng đồng bền vững”, Chủ nhiệm dự án, Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền cho biết.
Chú trọng quản lý tài nguyên nước
Theo kết quả thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam - đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên miền Trung thực hiện năm 2015, tình trạng xâm nhập mặn tại đảo Lý Sơn đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Nếu như thời điểm năm 1998, nước mặn xuất hiện ở độ sâu từ 40 – 45m ở khu vực trung tâm đảo, thì hiện nay, chiều sâu gặp nước bị nhiễm mặn chỉ từ 30 – 35m.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô khu vực ven biển, ven bờ Lý Sơn” đã phục hồi được 2ha san hô. ẢNH: PV |
Nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm đang dần suy kiệt, UBND huyện Lý Sơn đã siết chặt quản lý, thực hiện việc kiểm tra, rà soát hoạt động khai thác nước ngầm tại đảo, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh việc các tổ chức, cá nhân tự ý đào, khoan giếng.
Từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT cũng đã gấp rút triển khai nhiệm vụ điều tra, đánh giá, khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế và vùng cho phép khai thác, sử dụng nước trên địa bàn huyện Lý Sơn, để từ đó có cơ sở khoa học về thực trạng nước ngầm tại đảo, giúp các cơ quan nhà nước siết chặt hoạt động quản lý.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đang xây dựng kế hoạch để xây mới 16 công trình quan trắc tài nguyên dưới đất, nâng tổng số công trình quan trắc trên địa bàn huyện lên 22 công trình. “Việc tăng số lượng công trình quan trắc tài nguyên nước ngầm trên đảo Lý Sơn giúp cho công tác kiểm tra, giám sát trữ lượng, chất lượng nước ngầm trên địa bàn huyện được đầy đủ, chính xác, thường xuyên. Đây sẽ là cơ sở khoa học quan trọng phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước, từ đó có những cảnh báo, giải pháp tiếp theo”, Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước-Khí tượng thủy văn & Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT) Nguyễn Biện Như Sơn cho biết.
Bài, ảnh: Ý THU