Sơn Tây: Khai thác thế mạnh để phát triển nông nghiệp

09:06, 14/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù diện tích sản xuất manh mún, điều kiện tự nhiên bất lợi, nhưng huyện miền núi Sơn Tây vẫn tích cực tìm kiếm và đưa vào sản xuất một số loại cây trồng mang tính đặc thù, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

TIN LIÊN QUAN

"Không bỏ trứng vào một giỏ"

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết: Cây cau dễ trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của người dân, nhưng đầu ra lại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, nên giá bấp bênh, hiệu quả kinh tế chưa bền vững. Vì vậy, huyện không khuyến khích người dân phát triển diện tích cây cau. Trong giai đoạn 2013-2014, cau rớt giá mạnh nên diện tích cây cau trên địa bàn huyện cũng giảm, từ 1.400ha năm 2013 còn hơn 1.000ha vào năm 2017.  

 Do thị trường đầu ra không ổn định, nên huyện Sơn Tây không khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cau.
Do thị trường đầu ra không ổn định, nên huyện Sơn Tây không khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cau.


Với quan điểm “không bỏ trứng vào một giỏ”, thời gian qua, huyện Sơn Tây đã tìm kiếm và thử nghiệm các loại cây trồng mới để thay thế, trong đó có cây mắcca. Năm 2014, huyện trồng thí điểm 6ha mắc ca ở xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Bua. Đến nay, diện tích cây mắcca đã ra hoa và tỷ lệ đậu quả đạt trên 30%. “Kết quả này cho thấy, điều kiện tự nhiên ở Sơn Tây phù hợp với cây mắcca. Bởi tỷ lệ đậu quả 30%/cây là khá cao”, Tổng Thư ký Hiệp hội mắcca Việt Nam Huỳnh Ngọc Huy khẳng định.

Nhận thấy tiềm năng của cây mắcca, lại được Hiệp hội mắcca Việt Nam cam kết cung ứng giống chất lượng, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, với giá thu mua bằng 95% giá thế giới (hiện nay 80.000-90.000 đồng/kg hạt tươi), nên người dân trong và ngoài huyện Sơn Tây bắt đầu quan tâm đến loại cây này. “Giá bán keo, mì hiện cũng bấp bênh, trong khi mắcca thì có doanh nghiệp cam kết bảo hiểm năng suất, bao tiêu sản phẩm với giá cao, nên tôi mạnh dạn đầu tư trồng 6,5ha. Hiện 1.500 cây mắcca đã trồng được 6 tháng tuổi, phát triển tốt”, ông Nguyễn Lên ở xã Sơn Liên cho biết.

Xây dựng “bản đồ mạng lưới cây trồng”

Nhiều năm qua, ngoài cây keo, mì, huyện Sơn Tây vẫn chưa xác định được các loại cây trồng chủ lực. Ngoài lý do tập quán canh tác của người dân hạn chế, thì điều kiện tự nhiên đặc thù khiến một số loại cây trồng mà ngành nông nghiệp khuyến khích lại không phù hợp với địa phương này. Đơn cử như cây bắp, dù là loại cây được khuyến khích trồng trên các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, nhưng cây bắp không được nhiều người dân quan tâm. Nguyên nhân, do điều kiện đất đai, địa hình và tưới tiêu chưa phù hợp và nhu cầu sử dụng bắp để làm lương thực và chế biến thức ăn chăn nuôi ít hơn lúa. Vì vậy, dù nhiều diện tích sản xuất lúa thiếu nước tưới, hiệu quả thấp, thay vì chuyển sang trồng bắp thì người dân vẫn tìm cách dẫn nước, hoặc trồng lúa rẫy.

Trước tình hình đó, mới đây, huyện Sơn Tây phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành kiểm tra điều kiện thổ nhưỡng, đánh giá tiềm năng sản xuất nông nghiệp của 9 xã trên địa bàn huyện, để xây dựng “Bản đồ mạng lưới cây trồng”. Trên cơ sở đó, chính quyền và người dân dễ dàng lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với từng vùng đất để đầu tư. “Điều này vừa tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất tập trung phù hợp với tiểu vùng Sơn Tây, vừa đỡ tốn thời gian và chi phí đầu tư trồng thử nghiệm từng loại cây trồng trên từng vùng đất”, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết.          

Với việc xây dựng “Bản đồ mạng lưới cây trồng” đầu tiên trên địa bàn tỉnh, huyện Sơn Tây kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập bền vững cho người dân.


Bài, ảnh: THANH PHONG

 


.