(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 1.7.2016 của Tỉnh ủy khóa XIX “về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020”, huyện Đức Phổ đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, kinh tế biển của huyện Đức Phổ đã có những bước chuyển biến đáng kể.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phát triển toàn diện kinh tế thủy sản
Huyện Đức Phổ có trên 40km chiều dài bờ biển, chiếm khoảng 1/3 chiều dài bờ biển của tỉnh, với ngư trường khai thác trên 3.000km2, có 2 cửa biển Sa Huỳnh (Phổ Thạnh) và Mỹ Á (Phổ Quang). Toàn huyện có 6 xã ven biển, dân số chiếm khoảng 47% tổng dân số toàn huyện và có truyền thống làm nghề biển lâu đời. Với lợi thế này, huyện Đức Phổ đã đầu tư khai thác và nuôi trồng thủy hải sản.
Tàu thuyền neo đậu tại cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ. |
Thời gian qua, nhờ được trung ương, tỉnh, huyện và các cấp, ngành hữu quan hỗ trợ, ngư dân Đức Phổ đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn, trang bị thiết bị khai thác hiện đại. Huyện đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn để cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ.
Qua đó, ngư dân trong huyện đã tiếp cận nguồn vốn vay, đóng mới được 7 chiếc tàu công suất lớn (1 tàu vỏ thép và 6 tàu vỏ gỗ), với tổng kinh phí đã giải ngân trên 46,75 tỷ đồng; nâng tổng số tàu thuyền trong toàn huyện lên 1.632 phương tiện, với tổng công suất 662.294CV. Nhờ có phương tiện khai thác ngày càng hiện đại, nên sản lượng khai thác hải sản hằng năm của huyện đã tăng lên đáng kể, như năm 2017, sản lượng khai thác đạt 63.150 tấn, đạt 95,6% so với chỉ tiêu được giao đến năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 39.080 tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, với diện tích nuôi 660ha (312ha nước lợ và 348ha nuôi các loại cá nước ngọt), nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, nên dịch bệnh ở tôm giảm, sản lượng nuôi trồng của năm 2017 đạt 3.770 tấn, đạt 104% kế hoạch năm, tăng 130 tấn so với cùng kỳ năm 2016.
Trên lĩnh vực chế biến, toàn huyện hiện có 20 cơ sở chế biến truyền thống, sản phẩm dùng để chế biến chủ yếu là các loại cá, mực... Huyện cũng đã kêu gọi các thành phần kinh tế phát triển các loại hình dịch vụ biển, trọng tâm là đầu tư vào 2 cửa biển Mỹ Á, Sa Huỳnh. Nhờ vậy, tại cửa biển Sa Huỳnh hiện đã có 3 cửa hàng xăng dầu, 2 cửa hàng ngư lưới cụ, 1 xưởng cơ khí sửa chữa tàu thuyền và sản xuất đá lạnh và 1 HTX đóng mới và sửa chữa tàu thuyền.
Bên cạnh đó, còn có 1 trung tâm tiếp nhận và phân phối thủy sản và 2 cơ sở chế biến thủy sản, tổng vốn đầu tư của các cơ sở này gần 60 tỷ đồng và đã giải quyết việc làm cho gần 300 lao động tại địa phương. Cửa biển Mỹ Á cũng đang phát triển nhiều loại hình dịch vụ biển, như sản xuất đá lạnh, sửa chữa và đóng tàu thuyền, bán xăng dầu, ngư lưới cụ..., giúp cho ngư dân có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển.
Chú trọng phát triển du lịch biển
Đức Phổ cũng là huyện có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch biển, với nhiều bãi tắm đẹp, như bãi biển Sa Huỳnh, Châu Me (Phổ Châu), Nam Phước (Phổ Vinh), Hội An (Phổ An), Khu Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh...
Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh. |
Thời gian qua, Đức Phổ đã chú trọng phát triển du lịch có sự gắn kết với sự phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng-an ninh và bảo vệ môi trường, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động.
Khu Du lịch Sa Huỳnh có diện tích 52,5ha, với tổng số vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động ở địa phương. Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Sa Huỳnh, với tổng mức đầu tư 31,665 tỷ đồng, trên diện tích 20.000m2 đã hoàn thành phần xây dựng cơ bản và đang triển khai thực hiện trưng bày nội thất...
Các điểm du lịch Hội An, Nam Phước, Châu Me cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, triển khai làm được hơn 6km đường bê tông xi măng và hệ thống đường điện chiếu sáng vào các điểm du lịch, với tổng số vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của địa phương và vốn Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Bước đầu các điểm du lịch, dịch vụ này đã phát huy hiệu quả, thu hút du khách đến ngày càng nhiều. Các loại hình văn hóa truyền thống, như hát sắc bùa, hát bá trạo tiếp tục được giữ gìn và phát triển, gắn với lễ hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm, lễ hội đua thuyền... Các sản phẩm đặc trưng của địa phương như mắm Nhum, nếp Ngự Sa Huỳnh... cũng được chú trọng phát triển để thu hút khách du lịch.
Đầu tư hạ tầng gắn với phát triển đô thị
Huyện Đức Phổ còn phối hợp với các cấp, ngành của tỉnh thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á giai đoạn 2; đầu tư xây dựng cảng cá và vũng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh; đồng thời tiếp tục thực hiện dự án nạo vét thông luồng 2 cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Mỹ Á và xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở thôn Hải Môn (Phổ Minh); quy hoạch đầu tư Cụm công nghiệp núi Dâu (Phổ Khánh); đầu tư cải tạo nâng cấp đồng muối, nâng cao chất lượng muối Sa Huỳnh.
Đầu tư phát triển hạ tầng vùng biển, như xây dựng Trung tâm thương mại - chợ Sa Huỳnh, tiếp tục đầu tư hệ thống thoát nước thải và cung cấp nước sạch cho nhân dân các xã ven biển, trong đó ưu tiên những nơi có quy hoạch phát triển dịch vụ - du lịch và nuôi trồng thủy sản trên cát; đầu tư kết cấu hạ tầng, cải tạo hệ thống điện, xây dựng mới các trường học, trạm y tế các xã ven biển.
Sơ chế mực khô ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. |
Nhờ được huyện và các cấp ngành hữu quan quan tâm đầu tư phát triển toàn diện, nên trong vài năm gần đây, kinh tế biển của Đức Phổ đã có những bước chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biển ngày càng nâng lên. Bức tranh nông thôn mới ở vùng biển Đức Phổ ngày càng được khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, bản sắc văn hóa truyền thống của cư dân địa phương tiếp tục được gìn giữ và phát huy.
Hiện nay có một xã ven biển Phổ An đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017 và xã Phổ Thạnh đang quyết tâm phấn đấu vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Đó là những điểm sáng đang được huyện Đức Phổ cố gắng nhân rộng, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới ở các xã ven biển trong thời gian tới.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM