(Báo Quảng Ngãi)- Gần đây, có hiện tượng tỏi trong đất liền vận chuyển ra đảo Lý Sơn trà trộn với tỏi trồng trên đảo để bán cho du khách với giá cao, làm ảnh hưởng đến thương hiệu tỏi Lý Sơn. Trước thực trạng đó, các ngành chức năng của huyện Lý Sơn đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, tỏi Lý Sơn có giá cao hơn tỏi ở một số địa phương khác. Do đó, thời gian qua có nhiều trường hợp vận chuyển tỏi trồng trong đất liền (chủ yếu ở xã Ninh Hiển, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đưa ra Lý Sơn để tiêu thụ.
Việc bán tỏi không nhãn mác ảnh hưởng lớn đến thương hiệu tỏi Lý Sơn. |
Tại các điểm bán tỏi gần cảng Lý Sơn, người mua khó nhận biết đâu là tỏi tại Lý Sơn, hay là tỏi nơi khác chuyển đến trồng từ đất liền chuyển ra. Bà Trương Thị Sự là người bán hai loại tỏi tại cầu cảng Lý Sơn cho biết: "Tôi bán cả hai loại tỏi để người mua lựa chọn, nhưng nhiều người chọn mua loại tỏi giá rẻ, nên tôi bán tỏi nhập từ nơi khác về". Theo bà Sự, hiện nay giá tỏi thường cũng như tỏi “cô đơn” của Lý Sơn có giá cao gấp đôi tỏi nơi khác chuyển về.
Sau hơn 9 năm kể từ khi tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể và được bảo hộ, đến nay tỏi Lý Sơn vẫn chưa in được nhãn hiệu, logo, tem chống giả. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, các loại tỏi được bán ven cầu cảng đều không có nhãn mác, du khách rất khó phân biệt đâu là tỏi Lý Sơn. Được gắn mác kinh doanh là “Vựa tỏi Lý Sơn, Tỏi Ngọc”, nhưng cơ sở kinh doanh tỏi của anh Nguyễn Ngọc Thủy, cạnh cầu cảng Lý Sơn là những mớ tỏi để trong những chiếc nong lớn. Vài chiếc túi lưới được in cơ sở của anh Ngọc. Ngoài ra, không có gì để phân biệt với những người bán tỏi khác bên đường.
Anh Nguyễn Ngọc Thủy cho rằng, rất muốn chính quyền địa phương và Hội Sản xuất kinh doanh và Chế biến hành tỏi Lý Sơn phối hợp để tạo bao bì, nhãn mác, giúp cho việc quản lý thương hiệu và kinh doanh tỏi Lý Sơn bền vững. "Tôi mở đại lý kinh doanh tỏi lớn đầu tiên ở đây và tự làm nhãn mác cho cơ sở kinh doanh của mình, chứ còn tem chống giả cho tỏi thì chưa có", anh Thủy nói.
Để ngăn chặn tình trạng tỏi trong đất liền đưa ra Lý Sơn để bán với giá cao, UBND huyện Lý Sơn đã triển khai một số biện pháp nhằm bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn. Tuy nhiên, có những biện pháp không đủ tính pháp lý, như cấm vận chuyển tỏi nơi khác ra đảo. Còn biện pháp căn cơ là phải có bao bì, nhãn mác, tem chống giả đầy đủ cho tỏi Lý Sơn thì địa phương đang gặp khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, một số thương lái người Lý Sơn và một số nơi khác lợi dụng nhãn hiệu tỏi Lý Sơn trà trộn tỏi nơi khác để đưa ra thị trường buôn bán, gây ảnh hưởng lớn đến giá trị của cây tỏi Lý Sơn, làm cho du khách có sự băn khoăn trong quá trình sử dụng tỏi Lý Sơn. Theo bà Hương, trước mắt huyện sẽ thành lập chợ đêm để bán các mặt hàng địa phương cho du khách, buộc những người buôn bán trong chợ đêm phải cam kết không bán các loại tỏi ngoài, giá được niêm yết. Hướng dẫn cho du khách khi cần mua tỏi Lý Sơn để làm quà, thì đến các hộ kinh doanh trong chợ đêm để mua cho đảm bảo.
Bên cạnh đó, huyện Lý Sơn đang phối hợp với đơn vị tư vấn, nhất là Sở KH&CN giúp cho huyện xây dựng chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn. Khi có chỉ dẫn địa lý rõ ràng thì sẽ có những quy định về chế tài xử lý những trường hợp vi phạm, giúp du khách mua được sản phẩm tỏi địa phương.
Bài, ảnh: BẢO LỘC