(Báo Quảng Ngãi)- Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 mà Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa công bố, Quảng Ngãi xếp thứ 25/63 tỉnh thành (tăng một bậc so với năm 2016). Điều này cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, nhưng kết quả vẫn chưa như kỳ vọng.
TIN LIÊN QUAN
Tăng 6, giảm 4
Trong năm 2017, Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thay đổi cung cách phục vụ, chuyển doanh nghiệp (DN) từ đối tượng quản lý sang đối tượng phục vụ... bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, những nỗ lực của Quảng Ngãi thời gian qua là chưa đủ mạnh để tạo ra sự bứt phá trong việc nâng cao chỉ số PCI.
Cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện phát triển mạnh hơn. ẢNH: PV |
Đánh giá các chỉ số thành phần, trong năm 2017, Quảng Ngãi có 6 chỉ số tăng điểm là: Tiếp cận đất đai (tăng 0,93 điểm), chi phí không chính thức (tăng 0,78 điểm), tính năng động (tăng 1,21 điểm), hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 1,47 điểm), đào tạo lao động (tăng 0,16 điểm) và thiết chế pháp lý (tăng 0,71 điểm). Còn 4 chỉ số giảm điểm là: Chi phí gia nhập thị trường (giảm 0,67 điểm), tính minh bạch (giảm 0,1 điểm), chi phí thời gian (giảm 0,32 điểm) và cạnh tranh bình đẳng (giảm 1,29 điểm).
Trong 4 chỉ số giảm điểm, thì chỉ số “cạnh tranh bình đẳng” giảm nhiều nhất và nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay. Trong 14 chỉ số phụ của chỉ số “cạnh tranh bình đẳng” mà VCCI khảo sát cho thấy, tỉnh ta “ưu tiên" giải quyết các khó khăn cho DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn các loại hình DN khác. Đối với thu hút đầu tư, tỉnh cũng ưu tiên chọn DN FDI. Việc tỉnh ưu tiên ưu đãi cho DN lớn, gây trở ngại cho những DN vừa và nhỏ. Cá biệt, có đến 76% DN được khảo sát nói rằng, nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) rơi vào DN thân quen của cán bộ các cơ quan liên quan.
So với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi chỉ xếp trên hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Phú Yên trong bảng xếp hạng PCI 2017. Còn lại, Quảng Ngãi bị các địa phương bỏ xa về điểm số.
Làm gì để thay đổi?
Bảng xếp hạng PCI năm 2017 mà VCCI công bố chưa phải là một báo cáo chính xác 100%, nhưng đây được xem là tài liệu tham khảo duy nhất về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong cả nước hiện nay. Vì thế, những tồn tại, bất cập trong các chỉ số thành phần và hàng loạt chỉ số phụ kèm theo mà VCCI chỉ ra là điều mà các cấp, ngành của tỉnh cần quan tâm và có hướng khắc phục trong thời gian đến.
Lãnh đạo Sở GTVT trò chuyện với doanh nghiệp tại chương trình Cà phê doanh nhân và hỗ trợ khởi nghiệp năm 2018 do UBND tỉnh tổ chức. |
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, PCI đã trở thành cảm hứng và áp lực tuyệt vời cho việc cải cách tại các địa phương. Nó được đánh giá là bộ chỉ số thể hiện “tiếng nói” của cộng đồng DN. PCI năm nay nhận được sự phản hồi của hơn 10.000 DN dân doanh trong nước và gần 1.800 DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia khảo sát.
Đối với Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh (DDCI) và hiện chuẩn bị triển khai tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong tháng 4.2018. DDCI sẽ là thước đo đánh giá mức độ hài lòng của DN đối với các sở, ngành và chính quyền cấp huyện trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Quảng Ngãi còn nhiều tiềm năng, lợi thế, để thu hút, kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển. Vấn đề đặt ra là, tỉnh cần có những đột phá trong chỉ đạo, điều hành, ban hành các cơ chế chính sách thuận lợi, để tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó cũng là cách để Quảng Ngãi nâng cao chỉ số PCI so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Bài, ảnh: P.VINH-L.ĐỨC