PCI là cuộc đua đường dài

04:03, 30/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nhận định của ông Nguyễn Diễn - Phó Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi về việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Ông Diễn nói: Việc lên vị trí cao mà năm sau điều hành không tốt thì rớt điểm là điều hiển nhiên. Riêng với Quảng Ngãi, trên bảng xếp hạng PCI năm 2016 đứng vị trí 26/63 tỉnh, thành, thì tỉnh cần phải có cái nhìn thực tế, đánh giá lại và phấn đấu cho những năm tiếp theo.

-PV: Ông đánh giá thế nào về chỉ số PCI của Quảng Ngãi trong 5 năm qua?

Ông Nguyễn Diễn: Kết quả PCI là điều kiện cần để các địa phương nhìn ra lợi thế và điểm yếu của mình để khắc phục. Với Quảng Ngãi, trong những năm qua các chỉ số thành phần liên tục thay đổi cho thấy, chính sách điều hành cần phải tăng tính ổn định. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan không phải Quảng Ngãi không thay đổi, mà do các “đối thủ” thay đổi mạnh mẽ hơn, cấp tiến hơn, nên nỗ lực “thăng hạng” của Quảng Ngãi không đạt như mong muốn.

-PV: Trong 10 chỉ số thành phần thì doanh nghiệp luôn phàn nàn câu chuyện “chi phí không chính thức”, theo ông đâu là vấn đề?

Ông Nguyễn Diễn: Trong 10 chỉ số thành phần mà VCCI khảo sát trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) Quảng Ngãi thì điểm số về chỉ số chi phí không chính thức năm 2016 giảm 0,03 điểm so với năm 2015, điều này cho thấy vẫn còn những bất cập. Tuy nhiên, trong chỉ số này, qua khảo sát thì có đến hơn 60% DN khai có “bôi trơn” là họ... chủ động làm chứ không phải các cán bộ công chức “đòi hỏi”. Điều này cho thấy các DN chọn kế sách “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, nên chủ động làm để công việc của mình trôi chảy hơn. Đây là vấn đề mà bản thân mỗi DN cần phải xem lại, chứ không thể nhìn vào điểm số mà đánh giá là chưa hoàn toàn chính xác, dù đâu đó vẫn còn tình trạng gây khó dễ.

Tuy nhiên, công tâm mà nói thì điểm số trên là điều mà chính quyền lẫn DN phải tự thay đổi. Một bên là sớm loại bỏ ý nghĩ “bôi trơn” để được việc và một bên phải xử lý kiên quyết việc làm khó dễ để được “bôi trơn”.

-PV: Có ý kiến cho rằng, kết quả PCI mà VCCI công bố đối với Quảng Ngãi là chưa hoàn toàn chính xác, bởi tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư, đời sống của người dân nâng lên?

Ông Nguyễn Diễn: Đối tượng cho điểm là những DN ngoài nhà nước và những DN được khảo sát là những đơn vị đã có tên trong sổ thuế của Quảng Ngãi, ít nhất là hai năm. Còn những DN mới hoạt động thì không phải là đối tượng khảo sát của VCCI,  dù họ nêu ý kiến rằng họ bị “làm khó dễ”. Cách VCCI chọn lựa DN để điều tra, chiếm 10% và gửi hồ sơ phỏng vấn theo cơ cấu tỷ lệ DN đảm bảo các loại hình DN đều tương xứng. Ví dụ như DN trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ lớn thì số phiếu phát ra để điều tra sẽ lớn hơn các loại hình DN khác.

Thang đo lường của DN đối với sự điều hành của địa phương là cảm nhận của họ. Bởi trong bảng hỏi DN phải trả lời phiếu câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề, mà DN không đụng chạm đến. Chẳng hạn một DN hoạt động hơn 10 năm qua, nhưng phải trả lời câu hỏi về tiếp cận đất đai, trong khi 10 năm qua “va chạm” với cơ quan công quyền chủ yếu liên quan đến thủ tục xuất, nhập khẩu hay các giấy tờ liên quan khác, còn đất đai thì đã ổn định, do vậy, độ chính xác đôi khi nằm ở vấn đề là họ... “thương hay ghét” mà thôi. Và một trong những điểm để họ “thương hay ghét” là ở chi phí không chính thức. Một khi chi phí ở chỉ số này nhiều quá, thì điểm số các chỉ số khác sẽ bị “lệch”.

Nhưng, phải nhìn nhận về mặt khoa học thì, kết quả đó là một tài liệu khoa học được công nhận, chứ không phải tự nhiên mà Bộ KH&ĐT, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải nâng cao chỉ số PCI.

Để triển khai công tác đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố, các nhà khoa học đã nghiên cứu, tranh luận rất nhiều mới đi đến quyết định thực hiện. Địa phương có thừa nhận hay không là một chuyện, nhưng VCCI chỉ cung cấp thông tin và các nhà đầu tư xem đây là điểm mấu chốt để đánh giá. Trước khi DN chọn lựa nơi đầu tư họ tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong đó có một thông tin mà họ không thể biết được là năng lực điều hành, thái độ, hành vi của công chức một địa phương đó. Vì vậy, họ cần một tổ chức độc lập đánh giá, xếp hạng để họ tham khảo và kết quả mà VCCI là một chọn lựa.

 LÊ ĐỨC
(thực hiện)
 


.