Khi phụ nữ khởi nghiệp

06:01, 16/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ có nam giới, xã hội ngày càng phát triển thì phụ nữ cũng ngày càng năng động, bản lĩnh và tự tin khởi nghiệp với đam mê của mình. Bước đầu khởi nghiệp sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với những kiến thức, vốn sống tích lũy được, cùng sự trợ lực của các cấp hội phụ nữ đã giúp chị em bước đầu đạt được thành công.

TIN LIÊN QUAN

Trong số rất nhiều chị em phụ nữ “dám nghĩ, dám làm” có chị Trần Thị Bích Quyên (37 tuổi) ở thôn Hàm Long, xã Nghĩa Hà và chị Nguyễn Thị Mỹ Nga (27 tuổi) ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). Chị Quyên đã mạnh dạn khởi nghiệp với cơ sở sản xuất cốm rang Uyên Thi và chị Nga bước đầu thành công với cơ sở may, bán áo dài.

Khởi nghiệp từ đam mê

Phụ nữ ở vùng quê thôn Hàm Long, xã Nghĩa Hà trước giờ chỉ quen với ruộng đồng, với nghề trồng hoa, nhưng với đam mê chế biến ẩm thực, chị Trần Thị Bích Quyên đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, với cơ sở sản xuất cốm rang. Để hiện thực hóa ý tưởng của mình, chị Quyên mất một khoảng thời gian dài chuẩn bị từ kiến thức, vốn liếng cho đến thuyết phục người thân. Chị Quyên, tâm sự: "Đất ruộng ít, làm nông nghiệp không phát triển kinh tế được, nên tôi bàn bạc với gia đình mở xưởng sản xuất những mặt hàng thực phẩm truyền thống. Tôi từng có thời gian làm việc cho nhiều cơ sở liên quan đến ẩm thực, nên cũng có một số kỹ năng chế biến. Sau khi học hỏi, tìm tòi và có đủ giấy tờ kinh doanh, đầu tháng 7.2017, cơ sở sản xuất cốm rang Uyên Thi chính thức đi vào hoạt động".

Tuy mới có mặt trên thị trường, nhưng sản phẩm cốm rang của cơ sở sản xuất Uyên Thi  được nhiều người tiêu dùng yêu thích.
Tuy mới có mặt trên thị trường, nhưng sản phẩm cốm rang của cơ sở sản xuất Uyên Thi được nhiều người tiêu dùng yêu thích.


Từ khâu nhập nguyên liệu cho đến quá trình chế biến, đóng gói... cơ sở sản xuất cốm rang của chị Quyên luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Với giá thành phải chăng và dòng sản phẩm cốm rang, gạo lứt tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, sau gần nửa năm hoạt động, cơ sở sản xuất Uyên Thi đã bán ra thị trường hơn 10 tấn cốm rang.

Cũng là người mạnh dạn thực hiện ước mơ của mình, chị Nguyễn Thị Mỹ Nga (26 tuổi) ở xã Nghĩa Dũng đã khởi nghiệp với cơ sở may, bán áo dài. Từ một cô sinh viên học chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp của Trường Cao đẳng Xây dựng số 2, sau khi tốt nghiệp, Nga làm thiết kế cho công ty xây dựng ở Sài Gòn.

Trong 3 năm làm việc nơi xứ người, Nga nhận ra mình có niềm đam mê với quần áo, may mặc, vậy là ban ngày làm việc ở công ty, buổi tối Nga lại tranh thủ đi học nghề may. Chăm chỉ làm việc, tích lũy được một số vốn nhất định, Nga về quê để thực hiện ước mơ của mình là mở tiệm may, bán áo dài truyền thống. Đầu năm 2017, Nga đầu tư gần 100 triệu đồng để mua 4 chiếc bàn máy may và vải vóc. Đến nay, những mẫu áo dài do chị Nga thiết kế được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Được trợ lực

Những ngày đầu khởi nghiệp có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn và kỹ năng quảng bá sản phẩm, thế nhưng nhờ có sự hỗ trợ, động viên của hội phụ nữ đã giúp các chị em mạnh dạn theo đuổi đam mê. Chị Quyên, cho biết: "Khi biết tôi có ý định khởi nghiệp, Hội LHPN xã đã tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp và hỗ trợ bán sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau. Hội đã trực tiếp bán giúp tôi hơn 2.000 bịch cốm rang các loại”. Còn đối với chị Nga, ngày đầu trở về quê hương lập nghiệp, không có nhiều mối quan hệ và việc xoay sở tìm mặt bằng để mở cơ sở may rất khó khăn.

Hội LHPN xã Nghĩa Dũng đã hỗ trợ chị Nga tìm được mặt bằng với giá phải chăng và kêu gọi nhiều chị em hội viên có nhu cầu may áo dài, váy ủng hộ cho cửa tiệm của chị Nga. Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Dũng Nguyễn Thị Châu Mỹ, cho biết: Hội luôn khuyến khích chị em hội viên khởi nghiệp, cũng như giới thiệu nhiều mô hình kinh tế hay, mới để các chị em học hỏi, làm theo. Khi các chị em gặp khó khăn về vốn, hay về kiến thức, nếu có thể hỗ trợ được, hội luôn sẵn sàng giúp đỡ.  


Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.