Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

04:01, 02/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào khởi nghiệp (start-up) trong thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đang lan tỏa mạnh mẽ. Với kiến thức, khả năng của mình, các bạn trẻ đã xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo và thật sự trở thành người làm chủ công nghệ, làm chủ chính tương lai của mình.

TIN LIÊN QUAN

Ngày nay, không khó để bắt gặp hình ảnh của những chàng trai, cô gái tuy mới đôi mươi, nhưng đã là chủ của những cơ ngơi bạc tỷ. Trong mỗi câu chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ là tinh thần dám nghĩ, dám làm, đam mê và đặc biệt là sự sáng tạo, bền bỉ khắc phục để vượt qua khó khăn.

Thất bại vẫn không nhụt chí

“Muốn thành công trước hết phải có khát vọng, dám nghĩ dám làm, phải có quyết tâm làm cho bằng được”- đó là chia sẻ chàng trai trẻ Trương Quang Ninh sinh năm 1993, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh). Dù còn khá trẻ, nhưng Ninh đã làm chủ một cơ sở sản xuất loại thảo dược quý đông trùng hạ thảo, với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chàng trai 9X này cho biết, ý tưởng sản xuất nấm đông trùng hạ thảo được “nhen nhóm” từ thời còn sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Để thực hiện ý tưởng của mình, ngoài thời gian học tập, Ninh cùng với nhóm bạn mày mò nghiên cứu tìm hiểu về loại nấm này và sản xuất thử nghiệm. Tuy nhiên, đây là loại nấm rất khó trồng, nên thời gian đầu thử nghiệm, Ninh và nhóm bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, vì thế liên tục thất bại. “Những lần đầu, cấy mô bị hư liên tục, nấm không phát triển, mình cũng nản. Song, với quyết tâm làm cho bằng được, nên sau mỗi lần thất bại, mình rút kinh nghiệm, rồi cải tiến thêm cho những lần tiếp theo. Những lần sau đó, mình hoàn thiện được quy trình, nắm được bí quyết và sản xuất thành công”, Ninh hào hứng chia sẻ.

Có kiến thức và niềm đam mê, dám nghĩ, dám làm, hai thanh niên trẻ Trương Quang Ninh và  Phạm Huỳnh Sơn đã khởi nghiệp thành công.                                                                                                                                                                                                                    Ảnh: NĐ
Có kiến thức và niềm đam mê, dám nghĩ, dám làm, hai thanh niên trẻ Trương Quang Ninh và Phạm Huỳnh Sơn đã khởi nghiệp thành công. Ảnh: NĐ


Năm 2015, sau khi ra trường, Ninh không ở TP.HCM lập nghiệp mà quyết định trở về quê khởi nghiệp, với mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Điều đặc biệt, trong hành trình khởi nghiệp của mình, Ninh không đơn độc mà có sự góp sức của người bạn thân cùng chung ý tưởng từ thời sinh viên là Phạm Huỳnh Sơn, quê ở Lâm Đồng.

Hiện nay, Ninh và Sơn đã gầy dựng nên cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo có quy mô 120m2 được phân chia thành nhiều khu vực khác nhau, với tổng kinh phí xây dựng trên 500 triệu đồng.

Trương Quang Ninh chia sẻ, bình quân 3 tháng cơ sở sản xuất ra khoảng 100kg quả thể đông trùng hạ thảo tươi và hơn 380kg sinh khối (phần dinh dưỡng nuôi trồng nấm). Tất cả đều được kiểm tra chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. Với giá bán 900 nghìn đồng/100g nấm tươi. Ngoài việc thành công với quy trình làm giống, cấy mô để phát triển sản xuất, Ninh và Sơn còn đi sâu vào việc chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo với đủ giá thành, để người dân có cơ hội sử dụng rộng rãi, dễ dàng hơn.

“Hiện tại, bình quân 3 tháng, tổng doanh thu của cơ sở đạt từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng, trừ toàn bộ chi phí cơ sở còn lãi khoảng trên 200 triệu đồng”, Ninh nhẩm tính. Từ nỗ lực và cố gắng của mình, Ninh và Sơn đã nhận được giải thưởng Lương Định Của năm 2017.  
 

“Muốn thành công trước hết phải có khát vọng, dám nghĩ dám làm, phải có quyết tâm làm cho bằng được”.


TRƯƠNG QUANG NINH
 sinh năm 1993, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh)

Ý tưởng táo bạo của 9X

Võ Đức Sang (21 tuổi), Đinh Hoàng Anh (22 tuổi) và Nguyễn Kiều Anh (21 tuổi) - sinh viên Trường Đại học Tài chính Kế toán đã hình thành nên ý tưởng dự án xây dựng khu vui chơi “Trải nghiệm ước mơ” cho trẻ, được Ban Tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” đánh giá cao.

Ý tưởng manh nha trước thực trạng ở tỉnh ta nói chung, TP.Quảng Ngãi nói riêng đang thiếu không gian vui chơi, giải trí cho trẻ em. Đến khu vui chơi “Trải nghiệm ước mơ”, trẻ được khám phá, trải nghiệm, thể hiện năng khiếu của bản thân khi được “nhập vai” y, bác sĩ, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, tiếp viên hàng không, nhà thiết kế thời trang, công an, bộ đội...

“Tổng hợp từ phiếu khảo sát, trên 95% phụ huynh đều tỏ ra thích thú và mong đợi có một ngày khu vui chơi được hình thành tại trung tâm TP.Quảng Ngãi. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quan tâm cũng đã ngỏ ý để các em xây dựng hoàn chỉnh hơn. Họ đánh giá đây là một dự án tiềm năng. Và nếu như không có nhà đầu tư, cả nhóm vẫn quyết tâm thực hiện ngay sau khi tốt nghiệp đại học”, em Nguyễn Kiều Anh bày tỏ.

Một nhóm 9X khác gồm có Phạm Quang Luy (22 tuổi), Lê Văn Y (20 tuổi); Lê Văn Tiến Sĩ (20 tuổi)- sinh viên Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM- Phân hiệu Quảng Ngãi cũng vừa đưa ra một ý tưởng khởi nghiệp mới, với sản phẩm khởi nghiệp do các bạn sáng tạo nên. Đó là dự án “Sản xuất kinh doanh máy cắt tỉa cành hàng rào ba dao”.

Từ cách nhìn nhận thực tế ở trường học, các em thấy rõ nhược điểm của việc cắt tỉa cành bằng phương pháp thủ công. Nhân viên môi trường phải dùng những dụng cụ cắt tỉa bằng tay như máy cắt một lưỡi để cắt. Điều ấy quả thật không hiệu quả, lại tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Qua đó, các em đã bàn với nhau về ý tưởng sáng tạo ra “Máy cắt tỉa cành hàng rào ba dao”; coi đó là giải pháp tối ưu, phù hợp với xã hội hiện đại.

 “Kích hoạt” ý tưởng

Thanh niên Cao Ngọc Cảnh (31 tuổi), với chiều cao chưa đến 1,2m là phượt thủ khá quen thuộc với bạn trẻ yêu thích du lịch khám phá. Gần đây, chàng trai còn được biết đến nhiều hơn với dự án khởi nghiệp “Du lịch trải nghiệm Lý Sơn” cùng hai người bạn là Ngô Văn Trọng (32 tuổi) và Cao Hoài Phương (34 tuổi).

Trở về sau cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”, từ nguồn vốn huy động của gia đình, tích lũy của bản thân, cả nhóm “kích hoạt” ý tưởng, bắt tay vào thực hiện. Đến nay, dự án đã đầu tư khoảng 50% chi phí cho việc xây dựng cơ sở vật chất, đưa vào “kích hoạt” thử nghiệm. Với giá cả phù hợp (tour ngắn có giá 600 nghìn đồng; tour dài 4 ngày, 3 đêm giá khoảng 3,5 triệu đồng,) chất lượng dịch vụ các tour ngày càng được nâng cao, dự án đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía du khách. Tham gia tour du lịch, du khách sẽ được đi bộ, đạp xe đạp ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và lạ mắt, sống trong khung cảnh thơ mộng giữa mênh mông biển trời, hòa mình vào đời sống người dân đất đảo...

Du khách trải nghiệm với hoạt động đi xe đạp khám phá đảo Lý Sơn.                                                                                                                                                                                                         Ảnh: TH
Du khách trải nghiệm với hoạt động đi xe đạp khám phá đảo Lý Sơn. Ảnh: TH


Điểm nhấn trong tour du lịch do Cảnh và các bạn tổ chức đó là luôn hướng về cộng đồng, tạo ra lợi nhuận ít nhất 51% để tái đầu tư vào các hoạt động xã hội, hướng về cộng đồng như: Dạy Anh văn cho người dân, xây dựng trường học, nhà cộng đồng, thực hiện các công trình xử lý rác thải... Hiện nay, mỗi tour do Cảnh tổ chức đều dành ra 60 phút hướng về môi trường như dọn rác ở nơi mình đến tham quan.

“Mình được hưởng lợi từ những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời cũng như những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp ở địa phương nên mình phải biết bảo vệ và giữ lấy những giá trị ấy”, Cảnh nói.
 
Trao cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp

Đồng hành trên bước đường khởi nghiệp của thanh niên, Tỉnh đoàn cũng như Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã có rất nhiều chương trình, chính sách khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên. Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Minh Thảo chia sẻ: Để hỗ trợ và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã phối hợp với nhiều cấp, ngành thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, Tỉnh đoàn còn phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tổ chức giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi vay vốn cho ĐVTN. Hiện tại đã giải ngân được hơn 300 tỷ đồng cho hơn 11.000 hộ vay.

Tuy nhiên, để giúp thanh niên thành công hơn nữa trên con đường khởi nghiệp thì vẫn còn những vướng mắc cần được sớm tháo gỡ. Một trong những “nút thắt” là đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, trong khi ĐVTN lại rất hạn chế trong việc tiếp cận thị trường.

Thanh niên Lê Minh Thông, ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) chia sẻ, hiện nay, nhiều thanh niên nông thôn cũng muốn vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Song, cùng với nỗ lực của tuổi trẻ, các bạn rất cần sự quan tâm, định hướng phát triển những mô hình sản xuất phù hợp với khả năng, điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ hơn nữa về khoa học - kỹ thuật, đầu ra sản phẩm, đặc biệt là nguồn vốn phát triển sản xuất.

“Để tháo gỡ những rào cản, thời gian tới, các cấp bộ đoàn trong tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ thanh niên trong việc thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp”, anh Đặng Minh Thảo, chia sẻ.


NG.ĐỨC - T.HẬU


 


.