(Báo Quảng Ngãi)- KKT Dung Quất hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, rất nhiều dự án sau khi được cấp phép chỉ đầu tư xây dựng nửa vời hoặc xin đất rồi… để đó.
Ồ ạt xin dự án
KKT Dung Quất là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm miền Trung được Chính phủ ưu tiên đầu tư. Từ khi thành lập đến nay, Quảng Ngãi rất quan tâm thu hút đầu tư, nên chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt dự án trong và ngoài nước đã đầu tư vào Dung Quất.
Những công trình hoang hóa ở KKT Dung Quất vừa gây lãng phí quỹ đất, vừa gây khó khăn cho tỉnh trong xử lý hậu thu hồi. |
Việc các nhà đầu tư tìm đến KKT Dung Quất là điều đáng mừng. Bởi các dự án khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn vào ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp quyết tâm làm ăn tại Dung Quất, vẫn còn nhiều nhà đầu tư xin dự án, lập kế hoạch đầu tư và sau khi được UBND tỉnh đồng ý, cấp giấy chứng nhận đầu tư thì... im lặng.
Hiện ở KKT Dung Quất có 12 công trình, dự án bỏ hoang từ nhiều năm qua. Trong đó tập trung nhiều nhất ở hai xã Bình Đông và Bình Trị (Bình Sơn), với tổng diện tích lên đến 270ha. Nhiều công trình trụ sở làm việc, nhà ở, điểm vui chơi giải trí... nằm tại những vị trí đắc địa dù đã hoàn thiện phần thô, cũng bị bỏ hoang gần 10 năm qua.
Dự án Trung tâm khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí TP.Vạn Tường do Công ty TNHH Vạn Năm đầu tư vào năm 2012, với 3 khối nhà hoành tráng, hàng trăm phòng đã xây dựng. Thế nhưng, công trình chỉ xây đến tầng thứ ba thì dừng. Sau nhiều năm, công trình vẫn “dầm mưa phơi nắng” và hư hỏng nghiêm trọng.
Trung tâm vui chơi giải trí cho cán bộ, công nhân nhà máy đóng tàu Dung Quất, xây dựng khá hoành tráng trên diện tích 18,6ha, với hàng trăm phòng ở cùng nhiều công trình phụ trợ khác. Thế nhưng, sau khi đầu tư dang dở dự án dừng lại và đang mục nát từng ngày.
Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Thanh Vũ cho biết, khi mới giải phóng mặt bằng và xây dựng rất rầm rộ, ai cũng vui mừng cho sự phát triển của quê hương. Nhưng sau một thời gian ngắn dự án tạm dừng thi công, rồi bỏ hoang đến nay. Địa phương liên tục kiến nghị BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tìm hướng xử lý để không lãng phí quỹ đất.
Nan giải xử lý hậu thu hồi
Trước bức xúc của người dân và chính quyền địa phương, UBND tỉnh đã thu hồi nhiều dự án như dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp phụ trợ tàu thủy Dung Quất (133ha) và giới thiệu cho 2 nhà đầu tư mới sử dụng khoảng 18,6ha. Đối với dự án Khu trung tâm khách sạn, nhà hàng và dịch vụ tổng hợp (0,9ha) đã thu hồi năm 2015. Hiện nay, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất Công ty Vạn Năm đã thế chấp cho Ngân hàng Việt Á.
Sau thời gian ngắn đi vào hoạt động nhiều năm qua Xí nghiệp cơ khí Quang Trung ngưng hoạt động. |
Theo lãnh đạo KKT Dung Quất, để cấp lại khu đất này cho nhà đầu tư mới, thì nhà đầu tư phải làm việc với ngân hàng, vì hiện tại họ đang nắm quyền chủ sở hữu. Và nếu hai bên đạt được thỏa thuận thì chuyển nhượng, BQL cũng chỉ làm trung gian. Còn nếu không tìm được đối tác, thì gần 1ha đất của dự án này vẫn phải hoang hóa.
Theo báo cáo của HĐND tỉnh, qua kiến nghị sau giám sát đối với các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư đã giao đất, cho thuê đất, nhưng chậm đầu tư từ năm 2001-2011 có 6 dự án chậm trễ. Trong đó đã thu hồi 1 dự án. Đối với 5 dự án còn lại, các nhà đầu tư hứa sẽ triển khai. Tuy nhiên, để 5 dự án này tiếp tục đầu tư, tỉnh phải thực hiện nhiều việc liên quan, chứ không đơn thuần chỉ là yêu cầu nhà đầu tư bỏ tiền ra làm là được.
Đối với 6 dự án mà BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh quyết định chấm dứt và thu hồi giấy phép đầu tư từ năm 2008-2015, theo quy định, trong thời hạn 12 tháng sau khi có quyết định chấm dứt và thu hồi giấy phép đầu tư, dự án nào có tài sản trên đất thì nhà đầu tư tự tháo dỡ và thanh lý tài sản. Tuy nhiên, hiện nay các nhà đầu tư chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng, nên muốn thu hồi đất cũng phải có thời gian cho nhà đầu tư thực hiện...
Bài, ảnh: L. ĐỨC-P. DANH