(Báo Quảng Ngãi)- Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã chú trọng lựa chọn và xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách vẫn còn một số bất cập và kết quả thiếu tính bền vững...
UBND tỉnh vừa phân bổ 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương cho các huyện Đức Phổ, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Lý Sơn, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Trà Bồng và TP.Quảng Ngãi để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân các xã đăng ký về đích NTM giai đoạn 2017-2019.
Hiệu quả…
Bình Dương (Bình Sơn) là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2014. Thời điểm này, bà con nơi đây đang tập trung vào vụ sản xuất rau màu, chủ yếu là ớt-loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân Bình Dương.
Tuy hiệu quả nhưng mô hình nuôi gà thả đồi kém bền vững vì không có vốn hỗ trợ nhân rộng. |
“Những năm qua, ớt, rau màu mang lại doanh thu 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân”, Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Minh Huấn cho biết. Theo ông Huấn, kết quả trên có được là nhờ sự “tiếp sức” từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình xây dựng NTM. Từ nguồn vốn này, địa phương đã phối hợp với các ngành chuyên môn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng rau màu, ớt theo hướng tập trung. Vì vậy đến nay, hầu hết các thôn trong xã đều có vùng sản xuất rau màu tập trung. Nhiều hộ thu lãi gần 400 triệu đồng/ha/năm.
Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa), địa phương đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015 đã có nhiều khởi sắc. Xác định lâm nghiệp và chăn nuôi là lĩnh vực chủ lực, nên xuyên suốt quá trình thực hiện Chương trình NTM, xã Nghĩa Sơn chú trọng xây dựng và thực hiện các mô hình phát triển sản xuất mới hiệu quả, nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Điều này giúp hiệu quả sản xuất gia tăng, thu nhập người dân được cải thiện, góp phần cùng địa phương hoàn thành Chương trình xây dựng NTM đúng tiến độ.
...nhưng kém bền vững
Những năm qua, UBND tỉnh bố trí vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã xây dựng NTM với mức từ 100 đến gần 300 triệu đồng/xã/năm. Nhờ làm tốt khâu chọn điểm, chọn hộ và chọn mô hình thực hiện, nên người dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, từng bước thay đổi phương thức theo hướng chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang hàng hoá tập trung, gắn với bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015 hiện có thu nhập bình quân đầu người từ 20-30 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ và thực hiện phát triển sản xuất vẫn còn hạn chế, thiếu bền vững. Điển hình là tình trạng chia nhỏ vốn để thực hiện cùng lúc nhiều mô hình. Theo Thông tư 26, các xã chỉ nên chọn 1-2 mô hình hỗ trợ sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các xã lại “rập khuôn”, thực hiện mô hình dàn trải ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đơn giản, chưa đầu tư áp dụng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao, nên dù hiệu quả, mô hình cũng “chết yểu”.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM, nguyên nhân là do nhiều xã thiếu quy hoạch sản xuất cụ thể, chưa xác định được sản phẩm chủ lực để có hướng đầu tư cũng như bị động trong việc lựa chọn, bố trí danh mục mô hình thực hiện. Hơn nữa, chính quyền một số địa phương thực hiện dàn trải, nên mới rơi vào cảnh “hết vốn hỗ trợ là mô hình cũng… chết”!.
Khắc phục tình trạng trên, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM kiến nghị UBND tỉnh không phân bổ vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng đồng đều, dàn trải; mà ưu tiên cho những địa phương mạnh dạn đầu tư thực hiện những mô hình hiệu quả, gắn với áp dụng tiến bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên về lâu dài, các xã cần căn cứ quy hoạch tổng thể sản xuất nông nghiệp của tỉnh để xác định sản phẩm chủ lực, lựa chọn và xây dựng vùng sản xuất phù hợp để ưu tiên nguồn lực và thu hút doanh nghiệp đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững trong sản xuất.
Bài, ảnh: MỸ HOA