Xây dựng nông thôn mới: Khó khăn khi tăng thêm chỉ tiêu

02:08, 18/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2016 – 2020 đã đặt ra yêu cầu cao hơn nhiều so với bộ tiêu chí cũ. Vì thế, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới NTM phải nỗ lực hơn mới có thể “về đích” đúng hạn.

TIN LIÊN QUAN

Yêu cầu cao

Điểm mới quan trọng của quy định là điều chỉnh số chỉ tiêu lên 49, tăng 10 chỉ tiêu so với quy định cũ. Ví dụ như, tiêu chí giao thông quy định rõ, xã NTM có đường xã, đường liên xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện. Với tiêu chí thủy lợi, thay vì quy định cứng về tỷ lệ phần trăm phải hoàn thành, nay bộ tiêu chí mới nêu rõ, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt từ 80% trở lên; UBND tỉnh quy định cụ thể theo hướng bảo đảm mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa phát triển bền vững, gắn với biến đổi khí hậu.

 Tiêu chí về giao thông còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.
Tiêu chí về giao thông còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.


Ngay như tiêu chí thông tin và truyền thông cũng có đến 4 chỉ tiêu. Đáng chú ý là tiêu chí số 17 quy định về môi trường và an toàn thực phẩm, quy định cũ chỉ yêu cầu về tỷ lệ thu gom rác thải và không có hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Bộ tiêu chí mới tăng thêm 3 chỉ tiêu, bao gồm tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đồng thời yêu cầu 100% hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Riêng chỉ tiêu về số hộ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) phải đạt 85% thay vì 70% như trước. Điều này đã gây khó khăn cho nhiều địa phương, nhất là các xã mới ra khỏi xã khó khăn, bãi ngang ven biển, không được Nhà nước hỗ trợ về BHYT nữa...

Địa phương phải nỗ lực

Từ năm 2007, xã Bình Trị (Bình Sơn) được xếp vào danh sách xã bãi ngang ven biển, nên được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong đó có BHYT. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, Bình Trị không còn nằm trong diện xã bãi ngang ven biển. Do đó, các chính sách của Nhà nước dành cho bãi ngang cũng không còn. Điều này đã làm cho chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc vận động người dân tham gia mua BHYT.

Chủ tịch UBND xã Bình Trị Ngô Văn Thính, cho biết: “Biết là khó, nên phải nói sao cho người dân hiểu được sự cần thiết của việc tham gia BHYT. Đồng thời, địa phương cũng hỗ trợ kinh phí cho cán bộ xã phụ trách lĩnh vực này tổ chức các buổi tập huấn, cũng như tích cực vận động người dân. Nhờ vậy mà đến nay, xã Bình Trị đã đạt được yêu cầu số người tham gia BHYT theo đúng tiêu chí về xây dựng NTM”. Hiện Bình Trị đã đạt 18/19 tiêu chí và sẽ phấn đấu về đích NTM vào cuối năm 2017.

Hiện nay, rất nhiều địa phương trong tỉnh đang chật vật khi “đối mặt” với Bộ tiêu chí mới về xây dựng NTM. Trong đó, khó nhất nằm ở các xã bãi ngang ven biển do đặc điểm đất đai chật hẹp, các tiêu chí về nhà ở, đường giao thông nông thôn... cũng khó đạt chuẩn. Trong khi, yêu cầu đạt chuẩn NTM đã ngày càng cao hơn, rõ ràng và chi tiết hơn, nên cần có sự tham gia thực hiện tích cực của mỗi người dân, nhất là đối với tiêu chí về an toàn thực phẩm và môi trường. Bởi đây là tiêu chí động, rất dễ thay đổi.

Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trước tiên người sản xuất phải sản xuất ra sản phẩm an toàn. Về vệ sinh môi trường, từng hộ gia đình phải bảo đảm điều kiện về “3 sạch”. Tuy nhiên, hiện nay, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Đây là thách thức không nhỏ đối với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.


Bài, ảnh: H.HOA


 


.