Điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới: Yêu cầu mới, cần cách làm mới

09:11, 29/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1760 về việc điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2016-2020 (QĐ 1760) để phù hợp với điều kiện thực tế các địa phương; đồng thời phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả xây dựng NTM...

TIN LIÊN QUAN

Nhiều điểm mới  

Theo QĐ 1760, để được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã bắt buộc phải đạt các tiêu chí số: 2 - giao thông, 3 - thủy lợi, 4 - điện, 5 - trường học, 6 - cơ sở vật chất văn hóa, 7 - cơ sở hạ tầng nông thôn, 8 - thông tin và truyền thông, 9 - nhà ở dân cư, 15 - y tế, trong Bộ tiêu chí NTM.

Theo Quyết định 1760, các địa phương phải chủ động huy động nguồn lực để xây mới, nâng cấp chợ, vì ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.
Theo Quyết định 1760, các địa phương phải chủ động huy động nguồn lực để xây mới, nâng cấp chợ, vì ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.


Như vậy, một số tiêu chí như hộ nghèo, thu nhập, tổ chức sản xuất, lao động việc làm... đã được nới lỏng. “Điều này sẽ giúp các địa phương lựa chọn hình thức phát triển sản xuất phù hợp, đảm bảo hiệu quả việc giảm nghèo và tăng thu nhập bền vững cho người dân; tránh tình trạng làm rập khuôn, chạy theo tiêu chí”, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô lý giải.

Vì những lẽ đó, QĐ 1760 đã yêu cầu chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn tăng cường khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thực tế lâu nay, ứng dụng khoa học vào phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều mô hình sản xuất chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm. Thậm chí việc thực hiện chỉ để đảm bảo yêu cầu tiêu chí NTM, chưa chú trọng triển khai nhân rộng. Đây cũng là lý do khiến thu nhập của người dân một số địa phương kém bền vững.

Đối với lĩnh vực môi trường, QĐ 1760 lại nâng “độ khó”. Đó là bên cạnh việc khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và gìn giữ môi trường xung quanh, thì các cấp ngành, địa phương, đơn vị phải chú trọng khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy góp phần mang lại nguồn thu, tạo việc làm cho người dân địa phương, nhưng các làng nghề cũng gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như làng nghề chế biến bún ở xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa).

Nhiều năm nay, bên cạnh thương hiệu “Bún Nghĩa Mỹ”, thì nơi đây cũng “nổi tiếng” với vấn nạn ô nhiễm môi trường do nước thải, mùi hôi. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, vì chính quyền cơ sở... lúng túng. Bởi, xử lý ô nhiễm thì người dân và chính quyền không đủ kinh phí cũng như chuyên môn, còn xóa bỏ làng nghề cũng chẳng xong, vì đây là nghề mưu sinh của hàng trăm hộ dân trong xã.    

Tiếp tục phát huy nội lực

Theo QĐ 1760, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần ngân sách cho các xã xây dựng đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa-thể thao xã, nhà văn hóa- khu thể thao thôn, cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông, hạ tầng các khu sản xuất tập trung, chợ, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản... cũng như xây dựng các trung tâm bán hàng hiện đại ở cấp xã...

Các địa phương cũng căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu bố trí tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình NTM. “Đối với một số hạng mục như chợ, trung tâm văn hóa... mà ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ một phần thì địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Lý do, đây là các công trình phúc lợi, rất khó xã hội hóa, trong khi ngân sách xã eo hẹp nên nếu bố trí vốn đối ứng sẽ lo xảy ra nợ đọng”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) Nguyễn Đình Vinh bày tỏ.

Tuy nhiên, QĐ 1760 lại “mở” cho các địa phương qua việc HĐND tỉnh sẽ quyết định cụ thể tỷ lệ phân cấp nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, có thu tiền sử dụng đất (sau khi hoàn trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) trên địa bàn xã cho ngân sách xã để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tuy nhiên, không phải xã nào cũng có quỹ đất cũng như thuận lợi trong việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, có thu tiền sử dụng đất. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của việc xây dựng NTM theo yêu cầu mới, chính quyền các địa phương cần sáng tạo và đổi mới cách làm. Nhất là việc tích cực phát huy nội lực, năng động huy động ngoại lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất theo hướng “trọng tâm trọng điểm”, góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình NTM.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.