(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, đồng vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đã và đang phát huy vai trò làm “bà đỡ”, đồng hành cùng người nghèo. Dù ở đồng bằng, hải đảo hay miền núi, chính những đồng vốn ưu đãi này là “chiếc cần câu” giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiệu quả từ đồng vốn chính sách
Theo chân của cán bộ ngân hàng huyện Sơn Hà, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi trâu kết hợp với trồng rừng của gia đình ông Đinh Quang Ôn, ở thôn Hoăn Vậy, xã Sơn Thành. Trước đây gia đình ông Ôn thuộc diện hộ nghèo, phải “chạy ăn từng bữa” vốn đã chật vật, nói gì đến chuyện đầu tư phát triển sản xuất.
Được sự giới thiệu và hướng dẫn của Hội Nông dân xã, năm 2005 khi cây keo có giá, ông Ôn vay 5 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để mua keo giống về trồng. Thấy đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả, ông Ôn tiếp tục vay thêm 10 triệu đồng để mua trâu về nuôi.
Sau khi làm ăn có lãi, trả hết nợ cũ, ông Ôn quyết định vay 45 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ cận nghèo và chương trình cho vay giải quyết việc làm, tiếp tục đầu tư trồng 2ha keo.
Để không lãng phí đất, ông Ôn thực hiện mô hình trồng mì xen canh keo. Bằng cách làm này, gia đình ông đã có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.
Nhờ biết chăm chỉ làm ăn, sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, mà từ một con trâu ban đầu, ông Ôn đã gây dựng đàn trâu 10 con, trị giá trên 120 triệu đồng. Ông Ôn, chia sẻ: “Cũng nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách, chúng tôi mới có tiền để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, có tiền cho con ăn học và sửa sang nhà cửa. Điều vui nhất là nay tôi đã thoát nghèo!”.
Chia tay ông Ôn trong niềm vui thoát nghèo, chúng tôi đến tham quan mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Đinh Văn Hòa, ngụ thôn Hà Thành, xã Sơn Thành. Đây là một trong những tấm gương nông dân Hrê tiêu biểu, thoát nghèo nhanh nhờ nguồn vốn chính sách.
Có lợi thế là đất đai nhiều, nhưng làm lụng quần quật quanh năm cuộc sống gia đình anh Hòa vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo, vì không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Năm 2003, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, anh Hòa tiếp cận nguồn vốn chính sách. Từ số tiền vay 30 triệu đồng, anh Hòa mua giống trồng 1,5ha keo, hơn 10 sào mía và mua thêm bò về nuôi. Vượt qua khó khăn ban đầu, anh Hòa làm ăn có dư.
Nhận thấy nhu cầu của người dân địa phương cần máy băm ruộng, năm 2016, anh Hòa bán hết bò, lấy tiền đầu tư mua chiếc máy băm 32 triệu đồng. Qua hai vụ băm ruộng, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi 20 triệu đồng. Đến nay, với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm anh Hòa thu nhập bình quân hơn 60 triệu đồng. Từ những nỗ lực đó, năm 2017, gia đình anh Hòa đã ra khỏi diện hộ nghèo.
Thông qua vốn vay của Ngân hàng CSXH, anh Đinh Quang Hòa đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. |
Không riêng gì người dân ở miền núi Sơn Hà mà hàng nghìn hộ dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách trong tỉnh cũng đã có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn chính sách.
Anh Hồ Văn Nam, xã Trà Thủy (Trà Bồng) vẫn còn nhớ cách đây hơn 10 năm, cuộc sống gia đình anh vô cùng khó khăn. Thế mà thông qua cầu nối vay vốn từ Ngân hàng CSXH, anh Nam đã thay đổi cung cách làm ăn. Từ chỗ chỉ biết lên rừng hái rau dại, đốn củi đổi gạo, anh Nam đã mạnh dạn vay vốn mua bò, trồng keo. Từ đó, giúp anh có điều kiện nuôi 5 đứa con ăn học. Đến nay, anh cũng đã nằm trong danh sách hộ thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc đánh giá, với phương châm đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng; sử dụng đúng mục đích, hiệu quả... nguồn vốn chính sách ưu đãi đã đến với cộng đồng và được người nghèo tiếp cận một cách nghiêm túc. Bằng những mô hình phát triển kinh tế cụ thể đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Ở các huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số, thì vốn chính sách rất cần thiết.
Tạo việc làm cho hàng nghìn lao động
Nhiều vùng nông thôn, vào những thời điểm nông nhàn, nhờ có nguồn vốn giải quyết việc làm mà người dân có thêm nghề “tay trái” ngay tại quê nhà.
Cách đây 3 năm, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm 21 triệu đồng, chị Lê Thị Nguyệt, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã có thêm vốn để mua lốp xe cũ về dự trữ và xẻ bán cho bạn hàng vào những tháng cao điểm.
“Làm ăn mà không có vốn, khó cạnh tranh lắm! Trong khi đó, cuộc sống gia đình mình còn khó khăn, nên rất khó vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Vì vậy, khi nghe có nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, tôi rất mừng. Nhờ đó, tôi mới có vốn để trang trải trong việc làm ăn”, chị Nguyệt nói.
Còn đối với bà Trà Thị Cường ở xã Phổ Phong (Đức Phổ), nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm giống như “phao cứu sinh”, giúp bà vượt qua khó khăn trong lúc cần vốn để mua nguyên liệu. Bởi, đối với người làm nghề chổi đót, thời điểm mua nguyên liệu vào đầu năm sẽ quyết định lãi ít hay nhiều. Bà Cường bộc bạch: “Từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện, tôi có thêm đồng vốn để mua đót về dự trữ, tạo thu nhập trang trải được một phần khó khăn”.
Chương trình cho vay giải quyết việc làm không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, mà còn góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống.
Chương trình này còn hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, lao động là người khuyết tật... Nó đã góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động... tác động tích cực đến Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Bài, ảnh: AN NHIÊN