KKT Dung Quất: Bến đỗ của dòng vốn FDI

07:10, 21/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi trong thu hút đầu tư của tỉnh mà dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã "dồn" vào KKT Dung Quất ngày càng nhiều. Thời gian gần đây có rất nhiều nhà đầu tư mới đã tìm đến Dung Quất để khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

TIN LIÊN QUAN

Chính lực hút từ những chính sách thông thoáng của tỉnh, quỹ đất sạch nơi đây rộng lớn và cảng biển nước sâu đã hấp dẫn các nhà đầu tư.

Điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc

Những tên tuổi lớn như Doosan Vina, Foster, VSIP... đầu tư vào Quảng Ngãi trong thời gian qua đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ sức hút đó, hàng loạt nhà đầu tư FDI khác cũng lần lượt tìm đến Dung Quất. Theo thống kê của BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, từ đầu năm đến nay có ít nhất 10 nhà đầu tư nước ngoài đến Dung Quất khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư.

Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Nguyễn Minh Tài (bên trái) tham gia kiểm tra hiện trường giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư  vào KKT Dung Quất.
Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Nguyễn Minh Tài (bên trái) tham gia kiểm tra hiện trường giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư vào KKT Dung Quất.

Trong tháng 2.2017, Tập đoàn Corporation Solar Energy (Hàn Quốc) đã tìm đến Quảng Ngãi đề xuất nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án điện mặt trời. Cũng trong lĩnh vực năng lượng, Công ty Phát triển điện lực J-Power (Nhật Bản) đã đến Dung Quất nghiên cứu, khảo sát và lập báo cáo đề xuất dự án Nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu tại KCN Dung Quất II.

Trong khi đó, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đến khảo sát, nghiên cứu cơ hội đầu tư Nhà máy sản xuất sợi steelcord (vật liệu gia cường lốp xe). Theo Giám đốc Kế hoạch của Tập đoàn Hyosung Park Chan Min, việc tìm đến Dung Quất đầu tư, nhằm mở rộng thêm thị trường cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Được biết, Tập đoàn Hyosung đã đầu tư một nhà máy tại KCN Nhơn Trạch 5 (Đồng Nai), có diện tích gần 150ha, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD và giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động.

Mới đây, Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đến khảo sát đầu tư Nhà máy sản xuất ôtô tại KKT Dung Quất. Đây được xem là điểm nhấn đối với công tác thu hút đầu tư FDI, khi mà lâu nay các tập đoàn sản xuất ô tô thường tìm đến các địa phương lớn như Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc. Theo lãnh đạo Tập đoàn Mitsubishi Motors Việt Nam, việc Tập đoàn chọn Dung Quất để đầu tư vì muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và vì Dung Quất hội tụ những điều kiện mà tập đoàn đang hướng đến.
 

“BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh thường xuyên rà soát và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch khảo sát doanh nghiệp, nắm bắt tình hình cụ thể để có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp một cách kịp thời nhất. Và thực tế, nhiều nhà đầu tư FDI đầu tư vào Dung Quất đã được BQL hỗ trợ hết mình, giúp họ làm ăn hiệu quả, qua đó tạo sợi dây kết nối để các nhà đầu tư khác tin tưởng đầu tư vào Dung Quất. Có lẽ đó cũng chính là động lực để giúp KKT Dung Quất trở thành “bến đỗ” của dòng vốn FDI”.
Phó Trưởng BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi ĐÀM MINH LỄ

Điều gì khiến Dung Quất hấp dẫn?

Chưa khi nào vấn đề thu hút vốn đầu tư FDI vào Quảng Ngãi lại sôi động như những năm gần đây. Bên cạnh những cải tiến, sự linh hoạt trong chào mời các nhà đầu tư, thì ở Dung Quất có nhiều lợi thế so với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung, cũng như cả nước. Đặc biệt là cơ chế chính sách rất thông thoáng, minh bạch đã tạo ra những điểm cộng trong mắt nhà đầu tư.

Theo Giám đốc Kế hoạch của Tập đoàn Hyosung, Park Chan Min: "KKT Dung Quất có những điều kiện rất thuận lợi như quỹ đất lớn, địa hình bằng phẳng, có cảng biển nước sâu Dung Quất thuận lợi vận chuyển hàng hóa, nguồn nhân lực phong phú, gần sân bay Chu Lai, giao thông kết nối thuận tiện và tỉnh có những cơ chế chính sách ưu đãi cao cho nhà đầu tư".

Còn Giám đốc Công ty TNHH Huyndai Engineering (Hàn Quốc) Young Jin Cho, cho biết việc chọn Dung Quất để mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam là do công ty nhận thấy những lợi thế lớn so với các tỉnh trong khu vực miền Trung.

Trong khi đó, Tập đoàn Doobon (Hàn Quốc) tìm đến Dung Quất để xúc tiến kế hoạch triển khai dự án nhà máy sản xuất và kinh doanh chất phụ gia cho ngành lọc hóa dầu. Theo lãnh đạo Tập đoàn Doobon, việc Tập đoàn chọn Dung Quất đầu tư vì ở đây có NMLD Dung Quất, phù hợp để công ty hợp tác phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho lọc hóa dầu. Đồng thời nơi đây có cảng biển nước sâu thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm đi các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.

Phó Trưởng BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Đàm Minh Lễ cho rằng, bên cạnh những lợi thế so sánh rõ nét của KKT Dung Quất như hệ thống giao thông, cảng biển thuận lợi, thì thời gian qua BQL luôn tăng cường tuyên truyền, giới thiệu môi trường, cơ hội đầu tư vào Dung Quất trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt là giải thích rõ những cơ chế chính sách ưu đãi và các định hướng lớn của tỉnh đến các nhà đầu tư. Quảng bá về điều kiện hạ tầng, cảng biển nước sâu, có quỹ đất rộng... của Dung Quất. Ngoài ra, BQL đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, nhất là mọi thủ tục đều công khai, minh bạch và mẫu hóa thống nhất các loại giấy tờ, thủ tục mà nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp cần.


Bài, ảnh: P.DANH - L.ĐỨC
 


.