Các cơ sở đóng tàu: Gặp khó khi hạ thủy tàu

08:10, 28/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chủ động mặt nước để hạ thủy tàu đang là khó khăn chung của các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh; nhất là khi đóng  tàu công suất lớn.

TIN LIÊN QUAN

HTX Viễn Đông Sa Huỳnh hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu và cấu kiện nổi tại xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) có mặt bằng rộng hơn 8.000m2 nằm giữa khu dân cư và ngăn cách với cửa biển Sa Huỳnh bởi con đường nhựa rộng hơn chục mét. Vậy nên, mỗi lần kéo tàu lên để sửa chữa, hoặc hạ thủy là một khó khăn đối với HTX.

“Trước đây chưa làm đường thì việc hạ thủy dễ dàng hơn. Còn giờ, có đường giao thông, việc kéo tàu từ HTX xuống nước tuy gần mà khó khăn. Hơn nữa, khu vực cửa biển lúc nào cũng tấp nập tàu thuyền ra vào neo đậu, rồi các lồng bè của người nuôi trồng thủy sản... nên mỗi lần muốn hạ thủy tàu, chúng tôi phải thương lượng với các chủ tàu đang neo đậu lái giúp tàu ra xa”, Giám đốc HTX Viễn Đông Sa Huỳnh Lê Trung Thành cho biết.

 Mỗi lần sửa chữa hoặc hạ thủy, HTX Viễn Đông Sa Huỳnh phải kéo tàu băng qua con đường nhựa đông đúc người qua lại.
Mỗi lần sửa chữa hoặc hạ thủy, HTX Viễn Đông Sa Huỳnh phải kéo tàu băng qua con đường nhựa đông đúc người qua lại.


Không chỉ riêng HTX Viễn Đông Sa Huỳnh gặp khó khăn, khi không chủ động diện tích mặt nước ngay cạnh nơi đóng tàu, mà đây là thực trạng chung của các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh.

Tại Công ty TNHH MTV Minh Quang – một trong số ít đơn vị không chỉ chuyên đóng tàu vỏ gỗ, mà còn được công nhận đủ điều kiện đóng mới tàu vật liệu composite và tàu vỏ thép của tỉnh, cũng trong tình trạng không chủ động mặt nước để hạ thủy. “Luồng lạch tại An Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) tương đối sâu, nên hầu hết các tàu đều lựa chọn khu vực này để neo đậu, nhất là vào những lúc bão, gió. Thành thử, khu vực hạ thủy tàu của công ty thường xuyên bị chiếm chỗ", Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Quang Nguyễn Trọng Ấn chia sẻ.

Cũng gặp trở ngại khi khu vực để hạ thủy tàu thường xuyên bị bồi lấp, nên HTX Dịch vụ và khai thác xa bờ Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) phải chấp nhận bỏ ra 15 – 20 triệu đồng cho mỗi lần hạ thủy tàu. “Diện tích mặt nước cho tàu lên xuống khi sửa chữa, đóng mới ngày càng thu hẹp lại bởi các hồ tôm. Ngoài ra, do luồng lạch bị bồi lấp, nên có nhiều đợt, dù đã hạ thủy, nhưng chúng tôi vẫn phải chờ thủy triều lên, tàu mới có thể thuận lợi ra khơi. Thành ra, mỗi lần thủy triều xuống là các tàu lại phải chen nhau trong phần diện tích mặt nước chật hẹp sát HTX”, ngư dân Lê Hồng Vinh, ở Nghĩa An cho hay.

“Điều mà HTX mong muốn nhất bây giờ là được quan tâm bố trí phần diện tích mặt nước gần khu vực đóng tàu của HTX để có thể chủ động việc kéo, hạ tàu và yên tâm đầu tư hệ thống đường ray cố định, thuận tiện cho việc hạ thủy. Chứ nếu chỉ quan tâm mở rộng mặt bằng phục vụ cho việc đóng, sửa trên đất liền, mà tàu thuyền đóng xong không chủ động hạ thủy thì cũng khó cho HTX”, Giám đốc HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Nghĩa An Đỗ Hồng Phước kiến nghị.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.