Kiểm tra an toàn thực phẩm tàu cá: Còn bỏ ngỏ

06:09, 09/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tàu cá sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Nhưng hiện nay, công tác này vẫn chưa được ngư dân và ngành chức năng quan tâm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, “công thức” bảo quản sản phẩm của ngư dân hiện nay là rửa sạch, để ráo nước rồi đưa vào hầm lạnh, đợi ngày tàu cập cảng sẽ giải phóng. Tuy nhiên, vì hầu hết tàu khai thác xa bờ hiện nay đều đóng bằng vỏ gỗ, hầm bảo quản hải sản làm chủ yếu từ mút xốp, nên rất khó đảm bảo vệ sinh cũng như cách nhiệt hiệu quả cho sản phẩm.

Ngư dân chưa quan tâm

Ngư dân Nguyễn Văn Xuyến, xã Phổ Quang (Đức Phổ) cho biết: Một phiên biển xa thường kéo dài từ 20-35 ngày, nên nước đá trong hầm bảo quản chỉ sử dụng được khoảng 60-70%. Thậm chí, mùa nắng nóng chỉ còn 50- 60%, nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm. “Biết vậy, nhưng những hầm bảo quản hải sản làm bằng nguyên liệu tốt, đảm bảo độ lạnh và dễ vệ sinh có giá thành quá cao, nên tôi chưa đủ khả năng đầu tư”, ông Xuyến bày tỏ.    

 Không chỉ ông Xuyến mà hầu hết ngư dân đều bảo quản hải sản bằng đá lạnh. Không có nhiều ngư dân quan tâm đến vấn đề đầu tư công nghệ và trang thiết bị bảo quản. Vì vậy, dù cơ quan chuyên môn khuyến cáo, nhưng toàn tỉnh hiện chỉ có 20 chiếc tàu trang bị hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU (bọc i-nox và phun PU-Polyurethane).

Việc kiểm tra chất lượng đá xay để ướp cá vẫn bị bỏ ngỏ.
Việc kiểm tra chất lượng đá xay để ướp cá vẫn bị bỏ ngỏ.


Cùng với vấn đề bảo quản sản phẩm, hầu hết ngư dân cũng “quên” việc khử trùng, vệ sinh hầm tàu, sàn chứa và các thiết bị tiếp xúc với hải sản trước và sau mỗi chuyến biển. Thậm chí, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP tàu cá, thì ngay sau khi dỡ hàng, bề mặt của các tấm ngăn, khoang chứa... phải được khử trùng và vệ sinh bằng các loại hóa chất chuyên dụng. Đặc biệt là nước đá không được tái sử dụng. Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên, hầu hết ngư dân chỉ cọ rửa, vệ sinh sàn tàu bằng nước biển; còn đá lạnh thì vẫn tái sử dụng.
 

Bảo quản tốt, lợi nhuận tăng

Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh, công nghệ PU được trang bị đồng bộ cảm biến đo nhiệt độ hầm bảo quản, nên ngư dân chủ động kiểm soát được nhiệt độ. Điều này không chỉ giúp ngư dân đảm bảo chất lượng và ATTP hải sản, mà còn giảm hơn 15% chi phí, mà lợi nhuận còn tăng 20- 30% so với trước.

Ngành chức năng bỏ ngỏ

Trong khi ngư dân chưa quan tâm đến việc đảm bảo ATTP tàu cá, thì các ngành chức năng cũng bỏ ngỏ công tác kiểm tra vấn đề này. Dù đã có quy định, nhưng hiện nay Chi cục Thủy sản vẫn chưa triển khai thực hiện các nội dung theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP tàu cá.

“Khi công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở NN&PTNT, nội dung kiểm tra ATTP tàu cá bị thiếu, nên Chi cục Thủy sản cũng không có cơ sở, để triển khai thực hiện”, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Ngô Văn Hưng lý giải. Vì vậy, ông Hưng cho rằng, việc kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATTP tàu cá phải đợi UBND tỉnh bổ sung và công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở NN&PTNT vào thời gian tới.

Trong khi đó, Chi cục Kiểm tra chất lượng nông lâm thủy sản cũng hiếm khi thu mẫu hải sản hoặc tổ chức kiểm tra vệ sinh ATTP tàu cá. Đại diện lãnh đạo đơn vị này cho rằng, ngoài đối tượng tôm nuôi thì các loại hải sản còn lại chỉ được lấy mẫu kiểm tra khi ngư dân, hoặc người tiêu dùng có nhu cầu. Còn việc kiểm tra các điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP tàu cá thuộc trách nhiệm của Chi cục Thủy sản. Nhưng, theo quy định, một số điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP tàu cá, đối với tàu công suất từ 90CV trở lên và tàu hậu cần do đơn vị này đảm nhận.

 Ngư dân không quan tâm, cộng với sự chồng chéo trong công tác kiểm tra, khiến vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP tàu cá lâu nay bị bỏ ngỏ. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất của ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy thời gian tới, đề nghị các ngành liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, chấn chỉnh.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.