(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 4 năm, vào ngày 13.9.2013, VSIP Quảng Ngãi chính thức khởi công. Đến nay, VSIP đã đạt một số kết quả nhất định, góp phần thay đổi diện mạo, phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
17 nhà đầu tư và 3.800 việc làm
Sau thành công của các dự án ở cả hai miền Nam – Bắc, VSIP Quảng Ngãi trở thành dự án thứ năm và cũng là dự án đầu tiên tại miền Trung, hoàn thiện bản đồ vị trí của VSIP trên khắp Việt Nam.
Sản xuất sợi tại Nhà máy Xindadong. |
VSIP Quảng Ngãi được quy hoạch gồm 1.200ha đất công nghiệp trong KKT Dung Quất, 504ha đất đô thị và dịch vụ gần trung tâm TP.Quảng Ngãi. Các ngành công nghiệp chủ lực của VSIP bao gồm thực phẩm, nước giải khát, các mặt hàng tiêu dùng nhanh, lắp ráp linh kiện điện tử và các ngành công nghiệp nhẹ phục vụ cho lĩnh vực dầu khí và hóa chất, may mặc...
Sau 4 năm kể từ ngày động thổ, VSIP Quảng Ngãi đã xây dựng xong hạ tầng giai đoạn 1A với 180ha đất công nghiệp; đang tiếp tục phát triển 435ha đất công nghiệp giai đoạn 1B. Đến nay, VSIP Quảng Ngãi thu hút được 17 nhà đầu tư với tổng vốn 338 triệu đô la Mỹ. Trong đó, có 7 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 3.800 lao động. Bên cạnh đó, Khu Đô thị giai đoạn 1 với 99ha triển khai năm 2016, đến nay đã hoàn thành các tiện ích và phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân trong khu vực.
Cơ hội sản xuất kinh doanh
Trao đổi về những lợi thế của VSIP Quảng Ngãi, Giám đốc Kỹ thuật Công ty VSIP Quảng Ngãi Lê Đỗ Hùng, khẳng định: “Đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi có nhiều thuận lợi vượt trội, giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động”.
Ông Lê Đỗ Hùng phân tích: Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi rất quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư về hạ tầng. Đặc biệt là khi trục đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành vào năm 2018, sẽ tạo kết nối giao thương thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (DN). Hàng hóa từ VSIP đi các cảng nước sâu để xuất khẩu sẽ nhanh chóng hơn nhiều. Chi phí nhân công lao động địa phương tương đối phù hợp, công nhân trẻ, khả năng nghỉ việc thấp, thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều lao động hết sức an tâm.
Theo ông Lê Đỗ Hùng, Quảng Ngãi còn đặc biệt quan tâm giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư bằng việc thành lập Văn phòng “một cửa” và văn phòng đại diện KKT Dung Quất tại VSIP. Hiện tại, 10 nhà đầu tư đã hoàn tất thủ tục đầu tư, đang tiến hành các bước cần thiết để chính thức đi vào hoạt động. Ước tính VSIP sẽ tạo ra thêm 16.000 việc làm khi các nhà đầu tư này đi vào hoạt động.
Tại nhà máy sản xuất sợi và bán thành phẩm sợi của Công ty Dệt may Hebei Xindadong, những lô hàng sợi xuất khẩu chuẩn bị rời nhà máy. Đại diện đơn vị này cho biết, nhà máy nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả từ VSIP. Hiện tại, hoạt động sản xuất kinh doanh ở đây rất thuận lợi, doanh thu năm sau cao hơn năm trước; thu nhập của người lao động ổn định. Nhà máy đang tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng, mở ra cơ hội việc làm nhiều hơn nữa cho người dân địa phương.
Còn tại nhà máy sản xuất gia công giày xuất khẩu King Riches của Tổng Công ty King Riches Việt Nam, đại diện công ty cho biết, môi trường sản xuất kinh doanh tại Quảng Ngãi khá tốt. Doanh nghiệp hài lòng vì đã chọn nơi đây để đầu tư nhà máy.
Trong 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Quảng Ngãi đạt khoảng 282 triệu USD. Trong đó, kim ngạch của các DN trong khu VSIP chiếm khoảng 165 triệu USD. Nhiều DN tại đây đã trở thành “gương mặt xuất khẩu mới” như Xindadong xuất khẩu sợi vải, Công ty TNHH Southsea Leatherwares VN xuất khẩu túi xách, Công ty TNHH Properwel Việt Nam xuất khẩu giày đi thị trường Mỹ...
Bài, ảnh: THANH HUYỀN