(Báo Quảng Ngãi)- Dù đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nhưng do quy mô đất đai hạn hẹp, vốn đầu tư chủ yếu là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng, nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng thấp... nên việc phát triển kinh tế trang trại (KTTT) đang gặp khó khăn.
Khó tiếp cận vốn chính sách
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có những ưu đãi dành riêng cho KTTT như khuyến khích hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất; phát triển KTTT từ các hộ gia đình lên quy mô doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị định 55, quy định đối tượng khách hàng này được vay từ 1 - 3 tỷ đồng không cần tài sản đảm bảo. Thế nhưng, trong thực tế rất nhiều trang trại lại khó tiếp cận nguồn vốn lớn để phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Phần lớn các trang trại trong tỉnh chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các chính sách của Nhà nước. |
Được địa phương tạo điều kiện về quỹ đất, năm 2015, ông Lê Cao Nga ngụ thôn Khánh Mỹ, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) quyết định đầu tư trên 2 tỷ đồng nuôi 1.000 con heo và trồng rừng. Tuy nhiên, để có vốn làm ăn, ông Nga chỉ có thể vay ngân hàng bằng việc thế chấp nhà cửa, đất đai. Ông Nga, chia sẻ: “Muốn vay vốn theo Nghị định 55 cần phải có rất nhiều điều kiện. Để có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại phải mất một thời gian khá lâu. Vì vậy, trong 3 năm qua, tôi chưa thể vay được vốn theo tiêu chí trang trại”.
Còn ông Phạm Văn Trinh ở xã Bình Chương (Bình Sơn) dù đã được cấp giấy chứng nhận trang trại theo đúng tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT, nhưng lâu nay vẫn không vay được vốn chính sách. Bởi việc thẩm định tài sản của ngân hàng luôn dựa trên tiêu chí là giá trị thực của mảnh đất mà chủ trang trại đang canh tác, còn tài sản gắn trên đất thì không được tính. Thế nên, dù tài sản đầu tư vào trang trại của ông Trinh đã vài tỷ đồng, nhưng để vay vốn không hề đơn giản. Nếu không có tài sản thế chấp, muốn vay tín chấp tối đa cũng chỉ được giải ngân 100 triệu đồng, dù theo quy định của Nghị định 55 là 1 tỷ đồng đối với trang trại.
Về phía ngân hàng thì cho rằng, chỉ cần trang trại được công nhận theo đúng tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT và có diện tích từ 3ha trở lên, thì không có lý do gì mà ngân hàng lại không cho vay. Tuy nhiên, do diện tích đất không đúng theo yêu cầu, tính khả thi dự án không có... nên ngân hàng mới không cho vay.
Cần cơ chế linh hoạt
Theo Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT về quy định và tiêu chí để công nhận trang trại chuẩn tăng lên rất nhiều từ quy mô diện tích, mặt hàng, cơ sở hạ tầng, doanh thu hàng năm. Đây cũng là điều kiện để chủ trang trại được vay vốn không phải thế chấp theo Nghị định 55 của Chính phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhưng đưa vào áp dụng, chính quyền và chủ trang trại gặp rất nhiều khó khăn, vì tiêu chuẩn quá cao, không mấy trang trại áp dụng được, như doanh thu của trang trại chăn nuôi phải đạt từ 1 tỷ đồng/năm trở lên thì mới được cấp giấy chứng nhận trang trại; đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 700 triệu đồng/năm...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đào Minh Hường, cho biết: “Quảng Ngãi có gần 50 trang trại được cấp giấy chứng nhận theo Thông tư 27, nhưng hiện nay chưa có trang trại nào vay được 500 triệu đồng. Bởi, đối với người nông dân, việc làm kinh tế thì dễ, nhưng nói đến phương án kinh doanh lại không thông thạo. Hơn nữa, thủ tục vay vốn của các ngân hàng còn quá rườm rà, tốn thời gian trong khi vay bên ngoài tuy lãi suất cao, nhưng lại nhanh gọn”.
Để KTTT phát triển, thiết nghĩ cần tháo gỡ nút thắt về đất đai, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn mức với các đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, để nâng cao quy mô của các đơn vị sản xuất nông nghiệp, nhất là quy mô hộ gia đình. Riêng về phía ngân hàng cần linh hoạt hơn trong cách cho vay, không nên quá bó buộc vào phương án kinh doanh mà dựa vào thực tế làm ăn của các chủ trang trại để làm tiêu chí đánh giá cho vay...
Bài, ảnh: HỒNG HOA