Giảm lãi suất cho vay: Doanh nghiệp có tiếp cận được vốn vay giá rẻ?

08:08, 09/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau quyết định hạ lãi suất điều hành và lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) lập tức giảm lãi suất cho vay bằng Việt Nam đồng. Tuy nhiên, liệu rằng doanh nghiệp (DN) có tiếp cận được vốn vay giá rẻ?...

TIN LIÊN QUAN

Hạ lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, bắt đầu từ ngày 10.7. Ngay sau quyết định của NHNN, hàng loạt các NHTM đã thông báo giảm lãi suất cho vay. Theo đó, Ngân hàng BIDV đã công bố tiếp tục giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư.

 Tiếp cận được vốn giá rẻ sẽ giúp cho các DN có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh.
Tiếp cận được vốn giá rẻ sẽ giúp cho các DN có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh.


Cụ thể, BIDV áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm cho vay ngắn hạn đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định của NHNN. Đồng thời, BIDV áp dụng mức lãi suất tối đa 6,0%/năm (thấp hơn so với quy định 0,5%/năm) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất- kinh doanh (SXKD) hàng xuất khẩu; phục vụ SXKD của DN vừa và nhỏ; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ SXKD của DN ứng dụng công nghệ cao.

Còn tại Vietcombank, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế đã được điều chỉnh giảm 0,5%/năm. LienVietPostBank, VPBank là những ngân hàng đầu tiên công bố giảm từ 0,25%- 1%/năm lãi vay đối với DN tốt, DN vừa và nhỏ. Eximbank giảm xuống tối đa còn 6,5%/năm. Đây cũng là mức được Ngân hàng SHB áp dụng với các khoản vay ngắn hạn cho khách hàng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên trong Thông tư 39 của NHNN.

Theo Hiệp hội DN Quảng Ngãi, hiện nay có nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn phải cân nhắc rất nhiều khi muốn vay vốn mở rộng đầu tư, kinh doanh. Bởi vậy, quyết định giảm lãi suất của ngân hàng sẽ giúp cho các khách hàng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, biến những dự án còn trên giấy thành cơ hội tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.

Vốn giá rẻ vẫn bị “treo”

Mặc dù các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay, nhưng kèm theo đó DN phải đáp ứng rất nhiều điều kiện mới có thể tiếp cận được vốn giá rẻ. Trong đó, ngân hàng nào cũng yêu cầu DN vay vốn phải hội tụ các yếu tố như có quan hệ tín dụng thường xuyên với ngân hàng và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án SXKD, khoản vay dự án hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên...

Trong bối cảnh có nhiều ngân hàng cạnh tranh với nhau trên thị trường tài chính thì những DN tốt luôn là đối tượng được “săn đón” của các ngân hàng. Vì thế, các DN này có rất nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng DN làm ăn khó khăn, cần vốn để đầu tư, nhất là các DN khởi nghiệp thì việc tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ là vô cùng khó khăn.

Ông N.N.V, Giám đốc một công ty xây dựng ở Mộ Đức, chia sẻ: “Bây giờ, đâu phải công trình nào làm xong DN cũng được chủ đầu tư thanh toán ngay. Đối với các DN lớn, nợ vài tỷ đồng họ vẫn xoay sở bình thường, nhưng còn DN nhỏ, nợ 1- 2 tỷ đồng là đã gặp vô vàn khó khăn. Thiếu vốn phải đi vay, nhưng đâu có dễ vay được vốn giá rẻ tại các NHTM lớn. Còn đi vay ở các NHTM nhỏ thì lãi suất quá cao, DN làm ăn không có lãi”.

 Còn về phía các ngân hàng thì cho rằng, hiện lãi suất cho vay đã hợp lý, không thể giảm thêm được nữa. Bởi lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn nằm ở mức cao, nhất là các NHTM CP nhỏ. Song ngoại trừ những ngân hàng lớn, có mạng lưới rộng khắp, thương hiệu lớn thì ngay cả khi lãi suất huy động có giảm đôi chút họ vẫn hút được khách hàng. Riêng những NHTM CP nhỏ, việc giảm lãi suất huy động sẽ lập tức khiến huy động vốn khó khăn hơn và đương nhiên, một khi huy động cao thì bắt buộc phải cho vay cao, ngân hàng mới đảm bảo được thanh khoản.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.