Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Chưa khởi sắc

07:08, 15/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuy cải thiện đáng kể hiệu quả và phương thức sản xuất, nhưng sau 4 năm triển khai thực hiện, đề án tái cơ cấu vẫn chưa giúp ngành nông nghiệp khởi sắc...

TIN LIÊN QUAN

Năm 2013, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án). Mục tiêu đến năm 2020, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4%, giá trị sản xuất trên 65 triệu đồng/ha, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40%, độ che phủ rừng đạt 50%...

Loay hoay “tái cơ cấu”

Sau 4 năm thực hiện Đề án, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,9%; giá trị sản xuất bình quân gần 70 triệu đồng/ha, tỷ trọng chăn nuôi chiếm gần 43%; độ che phủ rừng đạt trên 49%... Toàn tỉnh cũng đã chuyển gần 1.400ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, dồn điền đổi thửa trên 1.800ha, xây dựng 95 cánh đồng lớn, với diện tích gần 1.300ha. So với kế hoạch, các chỉ tiêu đều đạt và vượt, nhưng lại thiếu tính bền vững.

Nghĩa Hành là số ít địa phương xây dựng thành công mô hình
Nghĩa Hành là số ít địa phương xây dựng thành công mô hình "mỗi xã một sản phẩm" theo Đề án.


Bởi, theo định hướng của ngành nông nghiệp, loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh và còn khả năng tăng giá trị gia tăng hiện nay là lúa, bắp và hành, tỏi Lý Sơn. Vì vậy đến năm 2030, diện tích lúa sẽ còn 35.500ha (giảm 3.300ha). Riêng cây bắp định hướng đến năm 2020 sẽ đạt 6.500ha (tăng 2.000ha). Tuy nhiên, việc “giảm lúa, tăng bắp” chưa thật sự giúp nông dân yên tâm khi chưa có chuỗi liên kết sản xuất, đầu ra còn phụ thuộc nhiều vào thương lái, điệp khúc được mùa rớt giá vẫn thường xuyên tái diễn.

Đối với ngành chăn nuôi, đối tượng được ưu tiên phát triển là heo, bò và trâu. Tuy nhiên, vì chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, nên chăn nuôi vẫn bấp bênh. Đơn cử như chăn nuôi bò. Xác định đây là đối tượng chiếm lợi thế cạnh tranh trong chăn nuôi nông hộ, chính quyền và ngành chuyên môn khuyến khích nông dân tăng đàn. Cùng với việc hỗ trợ người nuôi bò kỹ thuật chăm sóc, trồng cỏ; ngành nông nghiệp cũng tăng cường thực hiện chương trình Zêbu hóa đàn bò, nhằm nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò thịt. Tuy nhiên, vì phụ thuộc vào thị trường, lại chưa được định hướng thông tin kịp thời, nên nông dân thường rơi vào cảnh “tái đàn lúc giá tăng, giảm đàn khi giá thấp”, khiến hiệu quả chăn nuôi thấp, thậm chí thua lỗ.

"Định vị" lại sản xuất

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng, quá trình thực hiện liên kết đã nảy sinh vấn đề tranh chấp hợp đồng tiêu thụ. Và thực tế, những mô hình “cánh đồng liên kết” chỉ là mối liên kết bước đầu, nên còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Như trường hợp DN “bẻ kèo”, không thu mua sản phẩm của nông dân như cam kết. Trước khi đổ lỗi cho DN, chúng ta cần đánh giá thật khách quan, công bằng và phải tìm ra lý do vì sao DN không thực hiện hợp đồng. Bởi thực tế, nhiều HTX nông nghiệp chưa làm tốt vai trò “cầu nối” cho DN và người sản xuất. Từ đó dẫn đến tình trạng người bán và người mua chưa thống nhất về điều kiện, cũng như các chế tài cần thiết để ràng buộc các bên tuân thủ hợp đồng. Đây là hạn chế cần phải tháo gỡ.

Ngoài ra, nhiều địa phương cho rằng, việc thực hiện Đề án là chuyên môn của ngành nông nghiệp. Vì vậy dù đã 4 năm triển khai, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều địa phương chưa "định vị" được đối tượng cây trồng, vật nuôi để tập trung đầu tư.

Tại huyện Nghĩa Hành, sau nhiều năm tiên phong thử nghiệm hàng loạt các loại cây trồng vật nuôi, bước đầu địa phương này đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, cũng như xây dựng thành công mô hình “mỗi xã một sản phẩm”.

Thực tế, thực hiện Đề án không chỉ theo quy luật cung- cầu trong kinh tế, mà phải tổng hòa nhiều vấn đề như tập quán sản xuất, mối liên kết giữa người dân và DN; sự vào cuộc của chính quyền các cấp... Vì vậy, để giúp ngành nông nghiệp khởi sắc, bên cạnh việc "định vị" lại sản xuất để tạo ra sự thay đổi, đột phá thì, quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị, việc “cụ thể hóa” đề án cũng phải linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, cũng như các giai đoạn ngắn hạn.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.