Tập trung tái cơ cấu nghề cá

10:06, 07/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư nâng cấp hệ thống hậu cần dịch vụ nghề cá; phát huy hiệu quả của mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển; nâng cao chất lượng công tác dự báo nguồn lợi hải sản... là các nội dung được ưu tiên thực hiện trong quá trình tái cơ cấu nghề cá.

TIN LIÊN QUAN

        
Đầu tư hạ tầng
 
Toàn tỉnh hiện có trên 5.500 chiếc tàu, trong đó tàu công suất từ 90CV trở lên chiếm 2/3, nhưng hạ tầng phục vụ khai thác thủy sản chưa tương xứng. Bên cạnh tình trạng luồng lạch thường xuyên bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào khó khăn; các cảng cá và khu neo đậu trú bão chỉ đáp ứng 1.800 chỗ neo trú, thì tình trạng các cảng cá đầu tư thiếu đồng bộ, kéo dài khiến công trình chưa phát huy hiệu quả.
 
Ngoài ra, có nhiều công trình đã được phê duyệt đầu tư, nhưng chưa biết đến khi nào mới được triển khai thực hiện, vì điệp khúc “thiếu vốn”. Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông cho biết, hiện có 6 dự án đầu tư hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá được phê duyệt.
 
Trong đó, chỉ có hai dự án là Vũng neo đậu tàu thuyền huyện đảo Lý Sơn (giai đoạn 2) và Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ đã được bố trí vốn tiếp tục đầu tư. Các dự án còn lại đang tiếp tục chờ! Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn tàu thuyền, hiệu quả khai thác của ngư dân mà còn khó khăn cho đơn vị quản lý”.
 
Hầu hết các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền được xây dựng từ hàng chục năm nay, nên chỉ đáp ứng cho tàu có công suất dưới 250CV. Trong khi hiện nay, tàu công suất từ 300CV trở lên chiếm số lượng lớn, khiến các cảng cá quá tải, nhất là vào mùa mưa bão.
 
 
Hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá hiện chưa đáp ứng nhu cầu khai thác, tiêu thụ hải sản của ngư dân.
Hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá hiện chưa đáp ứng nhu cầu khai thác, tiêu thụ hải sản của ngư dân.
 
Thậm chí, nhiều ngư dân còn neo đậu tàu thuyền ngay tại cầu cảng, khiến Ban quản lý các cảng cá gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp và đảm bảo an toàn. Ngư dân Trần Văn Xê, ở thôn Kỳ Ân, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho rằng: “Tìm chỗ tránh bão cho tàu còn cực hơn ra khơi đánh bắt hải sản. Rất mong chính quyền quan tâm mở rộng hoặc đầu tư thêm các cảng neo trú, để việc làm ăn của ngư dân thuận lợi hơn”.
 
Phát huy tổ, đội    
    
Từ đầu tháng 5.2017, Trung Quốc ngang nhiên ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, thậm chí còn dùng tàu lớn xua đuổi, khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khai thác hải sản. Vì thế, bên cạnh sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ngành chức năng, ngư dân trong tỉnh cũng phát huy tinh thần đoàn kết, tăng cường ra khơi theo tổ, đội.
 
“Đi theo nhóm có lợi lắm. Lỡ tàu này gặp vấn đề trở ngại thì có tàu kia ứng cứu...”, ngư dân Nguyễn Sinh Bảnh, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) chia sẻ. Cũng vì lẽ đó nên 2 năm nay, phiên biển nào ông Bảnh cũng vươn khơi cùng 2-3 con tàu của ngư dân trong thôn. Điều này không chỉ giúp ông Bảnh thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm ngư trường, mà còn tránh được tình trạng bị tàu nước ngoài đập phá, tịch thu ngư lưới cụ như trước.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô khẳng định, mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất không chỉ giúp ngư dân hỗ trợ, giúp nhau yên tâm bám biển, mà còn nâng cao hiệu quả khai thác. Vì vậy, nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tổ chức lại sản xuất nghề cá.
 
 

Thành lập Trung tâm Dự báo ngư trường khai thác hải sản khu vực miền Trung

Ngư dân miền Trung nói chung, Quảng Ngãi nói riêng sắp đón nhận tin vui khi Trung tâm Dự báo ngư trường khai thác hải sản khu vực miền Trung sắp được thành lập, do Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) quản lý. Sau khi thành lập, đơn vị này sẽ cung cấp thông tin liên quan đến ngư trường một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời, giúp ngư dân khai thác đạt hiệu quả hơn.

 

 
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.