(Báo Quảng Ngãi)- Được đầu tư hàng trăm tỷ đồng và kỳ vọng sẽ trở thành một khu nghỉ dưỡng có chất lượng, nhưng Khu du lịch (KDL) sinh thái Thiên Đàng và Khu du lịch Sa Huỳnh vẫn chưa phát huy được hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sai lầm trong chiến lược kinh doanh
KDL sinh thái Thiên Đàng ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn), cách trung tâm TP.Quảng Ngãi khoảng 35km. Do cửa cổng đóng, nên chúng tôi phải vào bãi tắm Khe Hai gửi xe, rồi theo đường bờ biển vào KDL theo hướng dẫn của một người dân địa phương. Bên trong KDL, nhiều hạng mục đã xuống cấp, cây cối không được chăm sóc...
Hơn 10 năm qua, khu du lịch sinh thái Thiên Đàng vẫn trong tình trạng "cửa đóng then cài", vắng bóng khách du lịch. Ảnh: Đ.Sương |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Trần Văn Ánh, KDL Thiên Đàng từng được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều khách du lịch, vì nằm ở vị trí đẹp, có biển, cách sân bay Chu Lai 4km và gần kề các nhà máy, xí nghiệp trong KKT Dung Quất và KKT mở Chu Lai (Quảng Nam). Sau khi đưa vào sử dụng một số hạng mục được một thời gian thì KDL này "đóng cửa". KDL này do Công ty CP đầu tư Thiên Đàng (nay đã sáp nhập vào Công ty CP ĐTPT Nam Quảng Nam) làm chủ đầu tư, được Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2005. Tổng vốn đầu tư hơn 199 tỷ đồng, trên tổng diện tích 286 ha. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư mới triển khai xây dựng phân khu Thiên Đàng Bốn Mùa 32,41ha; các phân khu còn lại đầu tư chưa hoàn chỉnh.
Theo công ty, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ. Cụ thể là, khu vực thực hiện dự án là vùng trũng về du lịch. Công ty nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch địa phương trên các phương tiện truyền thông, đầu tư xây dựng hai khu Bảo tàng: Bảo tàng văn hoá Chăm, Bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh để du khách tham quan, nhưng vẫn chưa đủ để thu hút khách. Năm 2009, bão số 9 cũng đã làm hư hỏng nhiều công trình. Dự án cũng còn nhiều vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Trước thực trạng hoạt động kém hiệu quả và thực hiện đầu tư không đúng tiến độ, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Theo Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Đàm Minh Lễ, nguyên nhân của vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là do trước đây chủ đầu tư tự thỏa thuận với các hộ dân để chi trả tiền bồi thường (không phối hợp với các cơ quan liên quan), nên khi phát sinh những vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị có liên quan không có cơ sở để hỗ trợ xử lý. Các hồ sơ, chứng từ liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với các hộ dân do công ty lưu trữ đã bị thất lạc do thiên tai, bão lũ năm 2009.
“Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu đưa dự án vào khai thác có hiệu quả. Với các phân khu còn lại, chưa xây dựng hoặc xây dựng chưa hoàn thành, Ban Quản lý sẽ yêu cầu chủ đầu tư xây dựng phương án xử lý hoặc chuyển nhượng và cam kết thời gian hoàn thành. Trường hợp không có khả năng tiếp tục đầu tư và không có đối tác chuyển nhượng, Ban quản lý sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi dự án hoặc thu hẹp quy mô dự án; đồng thời xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhằm phát huy tiềm năng du lịch tại khu vực này”, ông Lễ cho biết.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Trần Văn Ánh cho biết, KDL sinh thái Thiên Đàng vắng khách là do chủ đầu tư chỉ nhắm phục vụ du khách có điều kiện kinh tế cao, nên vắng khách là điều tất yếu. Trong khi ở bãi tắm Khe Hai có khoảng 30 hàng quán buôn bán với giá cả bình dân luôn đông khách vào các dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết. |
Chưa phát huy được thế mạnh
KDL Sa Huỳnh được đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, diện tích 1,7ha, có đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp như: Khách sạn, hồ bơi, nhà hàng, xông hơi - massaga... Du khách đến nghỉ dưỡng đều cảm thấy thỏa mái, bởi phong cách phục vụ chu đáo, cũng như cảm giác thư thái, nhẹ nhàng giữa phong cảnh thanh bình, mát mẻ của biển.
Chị Phạm Hồng Tiến, du khách đến từ Quy Nhơn, chia sẻ: Không gian ở đây yên bình, mát mẻ. Tuy nhiên, ngoài dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, thì ở đây chưa có dịch vụ vui chơi nào hấp dẫn. Một chị đồng nghiệp với chị Tiến chia sẻ thêm: Tôi rất thích không gian, phong cảnh ở đây, nếu KDL có nhiều điểm vui chơi, giải trí thì sẽ giữ chân được du khách.
Phó Giám đốc Khu Resort Sa Huỳnh Nguyễn Quân, cho biết: Sau 7 năm đi vào hoạt động, chất lượng dịch vụ ở đây được du khách hài lòng. Tuy nhiên, du khách cho rằng, KDL ở xa sân bay, chưa có nhiều điểm du lịch thật sự để lại ấn tượng cho du khách... Từ thực tế đó, nên mỗi ngày có nhiều lượt kháchvề đây tham quan, nhưng chỉ đến trong ngày rồi đi về; hoặc khách đến nghỉ 1, 2 đêm rồi về, vì không có nơi để du khách “tiêu tiền” .
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa, cho rằng: KDL Sa Huỳnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ; chú trọng đầu tư các dịch vụ phụ trợ mang tính giải trí, tăng chuỗi liên kết giá trị, tạo sức hấp dẫn thu hút khách nhiều hơn. Hiện nay, Sở đang phối hợp với huyện Ba Tơ để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại huyện Ba Tơ. Trên cung đường đi vào KDL Sa Huỳnh sẽ qua các điểm du lịch ở Mộ Đức, Đức Phổ. Hy vọng Khu trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh đi vào hoạt động, gắn với Khu di tích Đặng Thùy Trâm, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì KDL Sa Huỳnh sẽ là tuyến đường du lịch hấp dẫn.
Ông Quân cho biết thêm, thời gian đến doanh nghiệp sẽ mở rộng thêm 3ha để xây dựng hội trường, nhà hàng tiệc cưới, sân bóng đá mini… để đáp ứng nhu cầu của du khách. Hy vọng với chiến lược kinh doanh này, nhiều không gian văn hóa có chiều sâu ở Sa Huỳnh sẽ được phát huy để phát triển du lịch.
Đ.SƯƠNG -T.ÂN