(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây hơn 5 năm, lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn Quảng Ngãi đã hoàn thành, đưa vào vận hành, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, do cách thức quản lý chưa phù hợp đã phát sinh một số bất cập. Về lâu dài những bất cập này sẽ gia tăng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị quan tâm tháo gỡ vướng mắc, nhất là về bàn giao “lao động”, để sớm hoàn thành việc bàn giao lưới điện REII trên địa bàn sang cho ngành điện.
Chất lượng điện kém
Sau khi Dự án năng lượng nông thôn II (REII) hoàn thành, Quảng Ngãi đã thành lập 6 công ty cổ phần điện cấp huyện để quản lý, vận hành lưới điện REII, tiếp nhận toàn bộ khối lượng dự án, gồm hơn 1.000km đường dây hạ áp mới; hơn 46km đường dây cải tạo; 128 nghìn công tơ. Tổng số vốn tiếp nhận hơn 334 tỷ đồng.
Nhân viên Điện lực Đức Phổ hỗ trợ người dân thay mới hệ thống điện, khi lưới điện REII bàn giao cho ngành điện vận hành. |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 5 năm đi vào hoạt động, một số công ty cổ phần điện hoạt động ổn định. Tuy nhiên, hầu hết các công ty này hạn chế về năng lực tài chính, đặc biệt là vốn lưu động, nên khó khăn trong việc tích lũy, trả nợ vay theo quy định.
Hoạt động kinh doanh hiện tại của các công ty cổ phần điện phụ thuộc vào giá bán buôn điện và bán lẻ điện do Chính phủ quy định. Do đó, những công ty này không có khả năng đầu tư phát triển lưới điện với quy mô lớn, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, nhất là phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân nông thôn.
Mặt khác, do nội lực tài chính hạn chế, nên khi xảy ra sự cố bất khả kháng như bão, lũ... các công ty cổ phần điện không có khả năng phục hồi, tái tạo lưới điện; không đảm bảo đầu tư để phát triển lưới điện ổn định, bền vững.
Hiện tại, thị phần bán lẻ điện của 6 công ty cổ phần điện này chiếm gần 50%. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân dùng điện của công ty cổ phần điện đều than phiền về chất lượng điện không ổn định, hao tổn điện năng quá cao. Ở nhiều vùng, nhiều hộ dân còn phải dùng chung một công tơ tổng. Thế nên, ngoài số điện dùng thực tế, họ còn phải nộp tiền chỉ số điện năng hao tổn, trong khi giá bán điện lại cao hơn (khoảng 1.670 đồng/kWh) so với giá của Công ty Điện lực Quảng Ngãi (khoảng 1.560 đồng/kWh).
Cần sự thống nhất, hài hòa
Tháng 1.2015, tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức bàn giao lưới điện REII của huyện Đức Phổ về cho Công ty Điện lực Quảng Ngãi. Kể từ khi nhận bàn giao đến nay, Công ty Điện lực đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp lưới điện.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo lập phương án bàn giao lưới điện REII ở các địa phương còn lại. Tuy nhiên, về nhân sự, bên tiếp nhận là Tổng Công ty Điện lực miền Trung chỉ thống nhất nhận 1 lao động/xã, chứ không tiếp nhận toàn bộ con người hiện tại của các công ty cổ phần điện, nên công tác bàn giao lưới điện bị dừng lại. Lý do mà Tổng Công ty Điện lực miền Trung đưa ra là do năng lực, trình độ cán bộ không đủ chuẩn theo quy định của ngành; không phù hợp với phương án sử dụng con người, mục tiêu phát triển bền vững của tổng công ty.
Tại các cuộc làm việc liên quan đến hoạt động điện lực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã yêu cầu các công ty cổ phần điện phải khẩn trương bàn giao lưới điện REII về cho ngành điện càng sớm càng tốt. Bởi, khi lưới điện này xuống cấp sẽ không có tiền, để đầu tư nâng cấp. Hơn nữa, hiện tại việc tích lũy để trả nợ vay rất ít công ty cổ phần điện thực hiện được. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc trả khoản nợ hơn 284 tỷ đồng vay của WB đầu tư lưới điện REII.
Bài, ảnh: THANH NHỊ