Nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp (kỳ 1)

10:07, 19/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Những người thành công trong hành trình khởi nghiệp quay lại hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm, dìu bước những bạn trẻ có chí hướng. Bên cạnh đó, sự đồng hành của tỉnh và các ngành chức năng, giúp các bạn trẻ khởi nghiệp bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, thông thoáng...
 

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Muôn nẻo khởi nghiệp

Thất bại không chỉ là bài học, thất bại còn là một sự  trải nghiệm làm dày hơn vốn sống. Bức tranh khởi nghiệp ngày càng khởi sắc hơn với những câu chuyện, mô hình hay từ những con người dám nghĩ, dám làm như thế.


“Xôi quê” lên phố

 Một ngày mới của Phạm Đình Hải (1995), ngụ phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) bắt đầu bằng công việc bán xôi. Quầy xôi của Hải sau hai tháng khai trương đã có ba điểm bán tại TP.Quảng Ngãi. Nhưng chừng đó vẫn chưa thỏa ước mơ của bản thân, bởi sắp tới cậu sinh viên 9x từng tốt nghiệp chuyên ngành quản trị nhà hàng muốn nhân rộng thêm nhiều điểm bán xôi của mình.

 Tốt nghiệp ra trường, Hải không xin việc ở các doanh nghiệp lớn, mà quyết định khởi nghiệp ngay tại nơi mình sinh ra. Với dự định nâng cấp thực đơn và mở rộng quy mô quán ăn của gia đình, Hải học thêm khóa đầu bếp và xin phụ nấu ăn ở nhà hàng tại Đà Nẵng để rèn luyện tay nghề. Sau đó, theo lời mời của một người anh ở TP.Hồ Chí Minh, Hải lại lặn lội vào thành phố để nấu xôi bán ở quận 7.

“Tuổi trẻ mà, mình cứ thử sức ở nhiều nơi để học hỏi thêm kinh nghiệm. Lúc ở TP.Hồ Chí Minh, mình đi tham quan các tuyến đường thì tình cờ thấy các điểm bán xôi ở đó được bày biện lạ mắt, nên tò mò đến ăn thử. Từ đó, mình nảy ra ý tưởng về quê bán... xôi”, Hải nói về cơ duyên đến với... xôi.

Các điểm bán xôi ở Quảng Ngãi không phải ít, nhiều điểm đã có lượng khách quen cố định. Nấu xôi rồi mang ra bán chắc chắn sẽ không thu hút khách hàng, nhất là mình “sinh sau đẻ muộn”. Để đổi mới, Hải nghĩ đến hình ảnh chiếc áo bà ba thân thuộc để làm trang phục bán hàng. Tự tay Hải ra chợ mua vải mang về quê đặt thợ may thực hiện.

Sau đó Hải đến làng nghề mây tre đan ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) đặt thợ làm thủ công quầy bán xôi bằng tre có mái lá che. Ban đầu, nhiều người xung quanh hoài nghi về ý tưởng “quê hóa” gánh hàng xôi của Hải, vì lý do: “Bây giờ lên thành phố rồi. Ai mà làm theo phong cách quê như vậy”. Nhưng rồi Hải vẫn kiên định với ý tưởng khởi nghiệp ban đầu.
 

"Liều" nhưng phải đủ kiến thức

"Với những thành công ban đầu về quản lý, mở rộng thị trường, tôi có được từ sự giúp đỡ của đàn anh đi trước. Ngoài thời gian sản xuất, kinh doanh, tôi còn dành thời gian để đọc sách và tham gia các khóa học về bồi dưỡng kiến thức kinh tế. Qua trải nghiệm thực tế, tôi rút ra bài học cho chính mình là phát triển phải dựa trên nền kiến thức cơ bản, ít nhất các bạn trẻ hãy học hết chương trình THPT rồi mới tính đến chuyện khởi nghiệp", Đặng Duy Thạnh cho biết.

Với cách làm sáng tạo,  "thương hiệu" xôi Cụ Tín của Hải chỉ sau hơn hai tháng đã thu hút đông đảo người mua, không chỉ vì chất lượng, mà còn bởi vì phương thức bán mới lạ, thú vị. Người đến mua xôi được nhân viên mặc trang phục truyền thống vừa quen thuộc, nhưng cũng vừa lạ mắt niềm nở chào đón.

Khách hàng được trao gói xôi tận tay cùng cái gật đầu cảm ơn thân thiện. Mỗi điểm mới mở, Hải trực tiếp đứng bán nửa tháng rồi giao lại cho người nhà trông coi. Còn Hải lại tiếp tục đi khảo sát thêm điểm bán mới...

Ngã rẽ cuộc đời

Mặc cho ngoài trời đang mưa tầm tã, phía trong cơ sở inox tại một con hẻm nhỏ trên đường Lê Lợi (TP.Quảng Ngãi), Đặng Duy Thạnh (1995) vẫn đang miệt mài cùng đồng nghiệp làm việc. Đi lên từ người thợ với hai bàn tay trắng là câu chuyện nhiều người hay nhắc về Thạnh.

Giờ đây Thạnh đang là chủ cơ sở inox, có doanh thu trung bình mỗi tháng từ 450 – 500 triệu đồng, với nhiều đơn hàng độc quyền với một số doanh nghiệp. Ngoài các đơn hàng gia công công trình, Thạnh còn sản xuất những mặt hàng đại trà phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng như chân bàn kính, cây phơi quần áo...

Ý tưởng độc đáo, mới lạ của Hải về trang phục và “quê hóa” quầy xôi đã thu hút nhiều khách hàng.
Ý tưởng độc đáo, mới lạ của Hải về trang phục và “quê hóa” quầy xôi đã thu hút nhiều khách hàng.


Nhưng ít ai biết rằng, chặng đường khởi nghiệp của một thanh niên trẻ như Thạnh lại có những ngã rẻ không tưởng. Nghỉ học năm lớp 11, Thạnh làm nhiều nghề rồi bôn ba vào tỉnh Bình Dương học nghề cơ khí. Trong khi gia đình chưa hết “sốc” vì Thạnh nghỉ học giữa chừng, lại thêm lo lắng khi Thạnh quyết định về quê để lập nghiệp.

Vốn liếng ban đầu của Thạnh chỉ là vài triệu đồng tiết kiệm sau thời gian làm nghề ở Bình Dương. Thạnh thuê mặt tiền 30m2 ở đường Lê Thánh Tôn cùng một người phụ, nhận các đơn hàng nhỏ lẻ từ các gia đình ở quê nhà, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành). Thời gian sau đó, Thạnh phải ăn mì tôm nhiều tháng liền, vì không có đơn hàng để có nguồn thu. “Đó là những lúc tôi vừa nản vừa sợ, muốn buông tay, nhưng đường còn dài, trong khi việc học lại dang dở, nên vẫn phải ăn mì tôm để tiếp tục”, Thạnh nhớ lại.

Cần cù, siêng năng, vừa làm vừa tạo mối quan hệ, các đơn hàng tăng lên, Thạnh chuyển địa điểm đến thuê mặt bằng rộng 100m2. Cơ hội đến khi Thạnh hợp tác với một công ty chuyên sản xuất hồ bơi lắp ráp, Thạnh tiếp tục chuyển địa điểm cơ sở, thuê mặt bằng 300m2, nhân viên tăng lên 8 người. Sản phẩm của Thạnh cạnh tranh với các nơi khác bằng chính chất lượng, dù giá cả vẫn cao hơn thị trường. Hiện tại, từ thu nhập mang lại Thạnh đã mua được lô đất 480m2 để đầu tư xây dựng làm cơ sở của chính mình.

Thất bại là “học phí” để tiến tới thành công

Đến nay, thương hiệu Tuấn Dũng là một trong những nơi cung cấp xe đạp điện có tiếng trên thị trường Quảng Ngãi. Trong đó Tuấn Dũng là nhà phân phối độc quyền xe đạp điện của nhiều hãng. Con đường hướng đến thương hiệu xe đạp điện Tuấn Dũng là một hành trình tiếp nối sau những lần thất bại liên tục, vẫn không làm nhụt ý chí đam mê kinh doanh của Phan Trọng Tuấn (1983) ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi).
 

Người bạn của những mô hình khởi nghiệp

Sau ba lần thất bại và hiện đang thành công trong kinh doanh xe đạp điện, đầu tư công viên nước mini, Phan Trọng Tuấn chia sẻ: “Khởi nghiệp cần nhưng không nên nóng vội. Để thành công, người khởi nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức về quản lý, học cách marketing và tìm hiểu thị trường trước khi thực hiện và quan trọng là tự tin mình sẽ thành công”. Phan Trọng Tuấn được xem là người bạn của những mô hình khởi nghiệp, là kênh tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho bạn bè có ý tưởng khởi nghiệp.

Trước đây, tuy là nhân viên ngân hàng, nhưng với niềm đam mê, yêu thích kinh doanh đã thôi thúc Tuấn tìm kiếm những mô hình kinh doanh. “Tôi từng thử sức với mô hình kinh doanh sân bóng mini đầu tiên ở Quảng Ngãi. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau, nhiều sân bóng mini ồ ạt mở ra, còn sân bóng của tôi nằm trong hẻm, nên không cạnh tranh nổi.

Tiếp nối tôi đầu tư quán cà phê Rock đầu tiên ở Quảng Ngãi, với mong muốn tạo sân chơi cho những người cùng mê rock. Tuy nhiên, lượng người yêu thích ít lại khó quy tụ, nên Rock cà phê thất bại. Để cứu vãn, tôi sửa sang quán cà phê Rock thành quán kem Ruby, nhưng vì không có người quản lý hiệu quả, nên lần này lại tiếp tục đóng cửa. Lần lượt thất bại, số tiền đầu tư lúc này đã âm...”, Tuấn kể.

Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, trước khi bắt tay vào dự án kinh doanh xe đạp điện, Tuấn không nóng vội. Anh kiên nhẫn dành thời gian ngồi ở các ngã tư sôi động tại nhiều tỉnh thành để khảo sát nhu cầu sử dụng xe đạp điện.

Ngồi đếm 30 chiếc xe lưu thông tại ngã tư ở Nha Trang thì có 21 xe đạp điện, 9 xe đạp thường; tại Đà Nẵng tỷ lệ là 23-7; tại Quy Nhơn 19 -11. Còn tại Quảng Ngãi, trong số 30 chiếc xe có 6 xe đạp điện, 24 xe đạp thường. “Thị trường xe đạp điện ở Quảng Ngãi đi sau ba thị trường các tỉnh lớn lân cận, nên còn nhiều tiềm năng phát triển”, Tuấn nhận định.

Sau khi hoàn thành bảng khảo sát nhu cầu sử dụng xe đạp điện, Tuấn ngồi đánh máy một mạch 30 trang kế hoạch kinh doanh xe đạp điện. Nhưng sau khi liên hệ với các nhà cung cấp, tất cả đều từ chối, không đồng ý Tuấn làm nhà phân phối, vì chưa có kinh nghiệm trong thị trường xe đạp điện. Vậy là, Tuấn ôm ba lô vào tận TP.Hồ Chí Minh gặp nhà cung cấp, trình bày bảng kế hoạch kinh doanh.

Nhà cung cấp đồng ý với điều kiện phải thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng. Tuấn lại ôm bảng kế hoạch tìm gặp 10 người bạn để cùng đầu tư. Tất cả đều từ chối, chỉ có một người đồng ý đầu tư 100 triệu đồng với dự án. Tuy nhiên, không may người đầu tư trong lúc mang tiền đến bị mất 50 triệu đồng.

Vốn đầu tư lúc đó chỉ là niềm khát khao kinh doanh thôi thúc mãnh liệt, Tuấn không để dự án dừng lại. Quyết làm liều, Tuấn thuyết phục gia đình cho mượn sổ đỏ để vay tiền ngân hàng làm vốn đầu tư. Hướng đi đúng đắn, lựa chọn đúng nhu cầu thị trường đang cần, nên trong tháng đầu tiên khai trương, cửa hàng của Tuấn đã bán được 60 chiếc xe đạp điện.


Bài, ảnh: B.HÒA- N. VIÊN
 

----------------------------------------------------

Kỳ 2: Tạo dựng môi trường khởi nghiệp



 


.