Nâng cao hiệu quả từ nguồn vốn dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên

11:06, 30/06/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Quảng Ngãi đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho người nghèo trên địa bàn hưởng lợi có thêm điều kiện để từng bước ổn định và nâng cao cuộc sống. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, dự án vẫn còn những khó khăn, bất cập... 

TIN LIÊN QUAN

Hưởng lợi từ dự án 
 
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới, năm 2015, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên chính thức khởi động tại tỉnh Quảng Ngãi trên địa bàn 15 xã thuộc 3 huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2015- 2019, với tổng số vốn trên 16 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 15,2 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng tỉnh Quảng Ngãi. 
 
Dự án được triển khai trên 4 hợp phần chính là: Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn; Hợp phần phát triển kinh kế bền vững; Hợp phần cơ sở hạ tầng kết nối, nâng cao năng lực và truyền thông và hợp phần quản lý dự án. Với mục tiêu, từng bước nâng cao mức sống cho người dân thông qua nỗ lực cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo trong vùng dự án. 
 
Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã đầu tư 154 công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt; đến nay, có 69 công trình nghiệm thu đưa vào sử dụng, 85 công trình đang triển khai thực hiện. Thực hiện hợp phần phát triển sinh kế, đã có 420 tiểu dự án an ninh lương thực-dinh dưỡng, đa dạng hóa thu nhập và liên kết thị trường được triển khai, tập trung chủ yếu vào các mô hình như: chăn nuôi bò cái sinh sản, heo thịt, heo móng cái sinh sản, sản xuất lúa, ngô lai, lồng ghép dinh dưỡng thông qua các hoạt động tư vấn cho bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ có con em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi…
 
Trong hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, nâng cao năng lực truyền thông, dự án đã thực hiện đầu tư 14 công trình kết nối cấp huyện, tổ chức trên 1.300 đợt tập huấn nâng cao năng lực cho trên 21 ngàn lượt người tham gia. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra các mô hình hỗ trợ sinh kế co người dân ở Sơn Tây
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân ở Sơn Tây.
 
Điều đáng ghi nhận là, các hình thức hỗ trợ sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án đều xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm của người hưởng lợi. Đến nay, các tiểu dự án được đầu tư đem lại kết quả ban đầu, trong đó, các tiểu dự án chăn nuôi bò cái sinh sản, heo thịt, heo móng cái…  đã sinh sản những lứa đầu tiên; tiểu dự án sản xuất lúa, ngô lai cho năng suất trên 62 tạ/ha… góp phần vào việc cải thiện sinh kế cho người dân thụ hưởng.
 
Ngoài ra, nhiều công trình phát triển hạ tầng cấp cơ sở, như: Công trình nước sạch, đường giao thông thôn, xóm… được triển khai xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp hàng ngàn người dân rút ngắn được khoảng cách đi lại, việc giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế được thuận lợi hơn nhiều.
 
Theo đánh giá của chính quyền các địa phương được hưởng lợi, dự án khi triển khai đã mang lại hiệu quả lớn về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, làm thay đổi cơ bản bộ mặt kinh tế nông thôn miền núi, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
 
Đời sống của người dân hưởng lợi từ dự án ngày càng được nâng cao
Đời sống của người dân hưởng lợi từ dự án ngày càng được nâng cao
 
Ông Lê Tấn Hùng- Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ngãi, Giám đốc BQL Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Quảng Ngãi cho biết: Mặc dù thời gian triển khai dự án chưa dài nhưng với những tiểu dự án có chu kì thực hiện ngắn nên đã sớm mang lại hiệu quả thiết thực cho những hộ dân thụ hưởng.
 
Ngoài việc nâng cao năng suất, sản lượng, lợi ích kinh tế từ sản phẩm nông nghiệp, thông qua các hoạt động sinh kế, người dân còn được tiếp cận nhiều hơn đến các biện pháp khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, tạo nên sự liên kết, lan tỏa trong phong trào cùng nhau học tập, nâng cao năng lực sản xuất để xóa đói, giảm nghèo.
 
Hơn thế nữa, việc thành lập các tổ, nhóm sinh kế cũng đã góp phần nâng cao năng lực cán bộ địa phương và người dân, gắn kết tình đoàn kết giữa các thành viên, giúp họ cùng nhau phát triển kinh tế, hướng đến việc thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, đời sống của trên hộ dân được trực tiếp hưởng lợi đã dần thay đổi.
 
Cần khắc phục những bất cập
 
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, trong quá trình triển khai, dự án vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không chịu khó học hỏi để nâng cao trình độ thâm canh của người dân, thì có một nguyên nhân rất quan trọng là một bộ phận chính quyền địa phương khi triển khai dự án vẫn theo kiểu dàn trải, cào bằng, có nơi lựa chọn mô hình không phù hợp, dẫn đến không ít những tiểu dự án, mô hình bị “chết yểu” sau một thời gian ngắn triển khai. 
 
Điển hình như, thực hiện tiểu dự án đa dạng hóa thu nhập, trong năm 2016, BQL Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tiến hành thực hiện 18 tiểu dự án nuôi dê cho các nhóm LEGS ở Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà. Tuy nhiên, số dê hỗ trợ từ dự án chết hơn 60%, thậm chí có nơi chết gần 100%.
 
Nguyên nhân được mổ xẻ là một phần do giống dê được bà con mua về muộn, trong thời điểm gặp thời tiết mưa lạnh kéo dài nên vật nuôi thiếu thức ăn, xảy ra bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng. Bên cạnh đó, dê được đơn vị thu mua từ nhiều nơi khác nhau, chưa được thuần hóa tại địa phương nên chưa quen thời tiết miền núi. 
Đến nay, tổng nguồn vốn Dự án giảm nghèo Tây Nguyên đã giao cho tỉnh Quảng Ngãi trong 3 năm từ năm 2015-2017 trên 300 tỷ đồng, hiện đã giải ngân trên 99 tỷ đồng, đạt trên 32% kế hoạch. 
 

Ngoài ra, cũng trong năm 2016, từ tiểu dự án an ninh và dinh dưỡng, BQL Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã tiến hành hỗ trợ 9 tiểu dự án nuôi vịt xiêm, với tổng số 6.200 con, cấp cho 150 hộ. Đến nay, số vịt xiêm đã giảm nhiều do các gia đình giết thịt. 

Trong những chuyến đi kiểm tra thực tế tại các địa phương hưởng lợi từ dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, mục tiêu của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Quảng Ngãi là nhằm giảm nghèo cho người dân các huyện miền núi. Tuy nhiên, tình trạng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế chưa mang hiệu quả, vì vậy, các địa phương cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, chú ý rút kinh nghiệm chấm dứt ngay việc triển khai hỗ trợ cây, con giống không hiệu quả, tránh lãng phí về tiền của, công sức.
 
Chính quyền địa phương cần quan tâm, triển khai hỗ trợ những mô hình sinh kế phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn từ dự án
Chính quyền địa phương cần quan tâm, triển khai hỗ trợ những mô hình sinh kế phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn từ dự án
 
Theo kế hoạch, năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt 158 TDA sinh kế đề xuất mới, 16 loại hình sinh kế. Tổng vốn được duyệt năm 2017 trên 20,3 tỷ đồng. Đến 30.5.2017, giải ngân được trên 4,296 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21, 11%.  
 
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn từ dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên và khắc phục những hạn chế, bất cập tồn tại trong thời gia qua, tại cuộc họp mới đây về dự án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu các địa phương được hưởng lợi phải sớm củng cố kiện toàn lại BQL của huyện, xã và xem xét vai trò của cán bộ BQL địa phương; bổ sung người có năng lực cũng như sắp xếp lại bộ máy thực hiện để làm sao phát huy tốt đa các hợp phần dự án.
 
Tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng phục vụ mục tiêu giảm nghèo. Tập trung giải ngân hết nguồn vốn đã được phân bổ, địa phương nào thực hiện tiến độ giải ngân không đảm bảo thì chuyển vốn cho địa phương khác đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân có ý thức tự lực vươn lên trong phát triển sản xuất để sớm thoát đói nghèo.
 
Thiết nghĩ, khi triển khai Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, BQL dự án từ tỉnh đến các địa phương cần nghiên cứu các tiểu dự án, mô sinh kế phù hợp. Có như vậy thì việc sử dụng nguồn vốn từ Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên mới thực sự hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân.
 
Bảo Ngọc
 
 

.