Cho vay bình ổn thị trường: Kiểm soát chặt mục đích sử dụng

11:06, 18/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cho vay bình ổn thị trường hiện đã nâng lên thành một chương trình tín dụng toàn quốc, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp (DN), góp phần ổn định giá cả, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình “bình ổn giá” mà Quảng Ngãi thực hiện vào cuối năm còn những bất cập cần khắc phục.

TIN LIÊN QUAN

Mở rộng chính sách

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các chi nhánh tín dụng trong cả nước phối hợp với UBND tỉnh, thành phố đẩy mạnh cho vay bình ổn giá thị trường với yêu cầu “mở rộng danh sách DN”. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo chủ trương của Chính phủ, gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chương trình này trước đây hai năm đã triển khai và đạt một số kết quả nhất định.

Hàng bình ổn giá phục vụ người dân huyện đảo Lý Sơn.
Hàng bình ổn giá phục vụ người dân huyện đảo Lý Sơn.


Thống đốc NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt thông tin, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố các giải pháp triển khai chương trình cho vay bình ổn thị trường hiệu quả. Các đơn vị tín dụng phối hợp với sở, ban ngành trên địa bàn lựa chọn mặt hàng thiết yếu là các hàng hóa sản xuất trong nước tham gia chương trình để phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp; khuyến khích mở rộng danh sách DN tham gia. Đồng thời, gắn chương trình này với chương trình kết nối ngân hàng – DN và xây dựng mối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông hàng hóa trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn dành nguồn vốn với mức lãi suất phù hợp để tham gia chương trình cho vay bình ổn thị trường; thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình triển khai; ưu tiên cho vay đối với DN tham gia mô hình liên kết vùng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp... Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu phải tăng cường quản lý nguồn vốn để cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, nhằm phát huy hiệu quả của chương trình tín dụng này.

Bất cập thực tế bình ổn giá

Trong 5 năm qua, Quảng Ngãi đã triển khai chương trình cho vay bình ổn giá hàng hóa dịp Tết. Thông qua hình thức sử dụng ngân sách cho một số DN bán lẻ hàng hóa trong tỉnh vay không tính lãi suất để mua, dự trữ hàng hóa từ trước Tết, đảm bảo không xảy ra khan hiếm, làm tăng giá vào cuối năm.

Ngoài những kết quả đạt được, chương trình cho vay bình ổn giá Tết tại Quảng Ngãi cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó có việc xác định đối tượng. Nhiều DN chưa thực sự là “nhà bán lẻ” có thể phục vụ đông đảo khách hàng cũng được cho vay. Kết quả, việc phục vụ hàng hóa bình ổn không đảm bảo, dẫn đến DN không thu hồi được vốn bỏ ra do hàng hóa ứ đọng; tất yếu là không trả nợ đúng thời hạn.

Đơn cử như năm đầu tiên Quảng Ngãi thực hiện chương trình bình ổn giá Tết đã cho DN tư nhân Quốc Cường ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vay 5 tỷ đồng. Đây là lò giết mổ tập trung, chuyên bán buôn thịt heo, chứ không phải kinh doanh đa dạng các mặt hàng nằm trong danh sách bình ổn giá. Khi vay số tiền này, DN Quốc Cường cũng tổ chức một số điểm bán thịt heo bình ổn giá, nhưng không dùng toàn bộ vốn vay vào phục vụ thị trường Tết như cam kết. Quá thời hạn phải hoàn vốn, DN này không trả lại tiền ngân sách, vì đã chi dùng không đúng mục đích. Việc trả nợ vốn vay dây dưa kéo dài đến năm sau.

Dịp Tết năm 2017, Quảng Ngãi tiếp tục cho Siêu thị Co.op Mart, Siêu thị Thành Nghĩa và Trung tâm thương mại Ông Bố vay bình ổn giá. Quá trình thực hiện hợp đồng vẫn còn DN chưa tuân thủ đúng các điều khoản quy định về bán hàng với mức độ khác nhau. Cá biệt, đến nay Trung tâm thương mại Ông Bố chưa hoàn trả tiền vay, mặc dù đã hết hạn trả nợ nhiều tháng nay. Theo đại diện Sở Công thương, hiện DN này mới trả 100 triệu/2 tỷ đồng đã vay. DN này đưa ra cam kết trong tháng 6.2017 sẽ hoàn trả đủ tiền cho ngân sách.


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.