Lãi suất cho vay hạ: Doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ vốn

03:01, 02/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù lãi suất cho vay đã giảm, nhưng do nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, không thể mở rộng thị trường nên hấp thụ vốn thấp... Kéo theo ngân hàng khó tăng trưởng tín dụng.

TIN LIÊN QUAN

Lựa chọn DN để cho vay

Việc các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 0,2 – 0,5%/năm vào tháng 10.2016, mở ra nhiều cơ hội cho DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thực tế, chỉ có những DN nào đã được ưu tiên thì tiếp tục được ưu tiên. Còn những DN mới với năng lực tài chính yếu, vẫn khó tiếp cận vốn.

Ông Lê Quốc Tiến – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quốc Tiến, chia sẻ: “Lâu nay tôi vẫn luôn vay vốn tại một ngân hàng thương mại nhà nước và được hưởng mức lãi suất ưu đãi với 6,8%/năm. Sau đó lãi suất giảm còn 6,2%/năm và hiện tại bây giờ là 6%/năm. Cái được ở đây là mỗi lần lãi suất cho vay trong hệ thống ngân hàng giảm, ngân hàng này cũng tự động giảm lãi suất cho vay và chủ động gọi cho tôi, nên tôi rất an tâm và hài lòng”.

Các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả luôn được ngân hàng ưu đãi cho vay.
Các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả luôn được ngân hàng ưu đãi cho vay.


Không riêng gì công ty của ông Tiến, một số ít DN lớn đã và đang tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi. “Đối với những DN là khách hàng tốt, có dư nợ lớn tại ngân hàng thì chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện để họ vay vốn ưu đãi. Thậm chí đối với những khách hàng thân thiết, ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn cả lãi suất huy động để giữ chân khách hàng”, giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết.

Tuy nhiên, phần lớn các DN không đủ điều kiện vay vốn do kinh doanh không có lãi, thậm chí thua lỗ hoặc không có nhu cầu vay vì thiếu đơn đặt hàng... Lãnh đạo một DN hoạt động trong ngành gỗ cho rằng, để vay được mức lãi suất thấp như ngân hàng công bố, DN phải là những đối tượng nằm trong diện ưu tiên đặc biệt, phải đáp ứng các thủ tục chặt chẽ của một hợp đồng tín dụng. Do vậy, không ít DN xứng đáng được hưởng lãi suất cho vay thấp, nhưng vẫn phải vay lãi suất cao.

Về phần mình, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, dù muốn tăng trưởng tín dụng, nhưng không thể “nhắm mắt cho vay” trong bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh cả nền kinh tế tìm cách xử lý nợ xấu, ngân hàng phải thận trọng chứ không vì mục tiêu tăng trưởng mà cho vay bằng mọi giá. Vì vậy, ngân hàng chỉ ưu tiên mức giảm cho những DN có xếp hạng tín dụng tốt. Bởi trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN vay vốn với mục đích chỉ để đảo nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác thay vì có phương án kinh doanh cụ thể.

Khả năng hấp thụ vốn thấp

Theo xu thế hiện nay và trong năm 2017, các ngân hàng vẫn tập trung vào khối bán lẻ. Còn đối với mảng khách hàng DN vẫn duy trì và phát triển, nhưng không phải mục tiêu hàng đầu. Và thực tế, tuy tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 ở một số ngân hàng có thể vẫn đạt tốt, nhưng đa số chỉ tăng ở khách hàng cá nhân, còn khách hàng DN thì vẫn hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Phúc – Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) – Chi nhánh Quảng Ngãi cũng khẳng định rằng, khả năng hấp thụ vốn của DN trong năm 2016 thấp. Nguyên nhân là do năm qua số lượng công trình trên địa bàn Quảng Ngãi không nhiều. Trong khi đó, DN mới thành lập lại ít, nên ngân hàng chỉ có thể cho vay trên nền khách hàng cũ. Riêng đối với những DN làm ăn được và mở rộng thị trường thì dư nợ cũng chỉ tăng chút ít, chứ chưa thật sự mạnh mẽ. “Không phải DN nào muốn vay cũng đều được ngân hàng giải quyết mà còn tùy thuộc vào điều kiện tài chính và năng lực, "sức khỏe" của họ phải tốt mới có thể đáp ứng được”, bà Phúc nói.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Ngân hàng Việt Á  Đoàn On, phân tích: “Trước đây các ngân hàng thường cạnh tranh rất khốc liệt trong việc huy động vốn, còn thời gian gần đây lại cạnh tranh về cho vay. Vì vậy các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói ưu đãi để cho vay. Tuy nhiên, ngân hàng nào cũng lựa chọn DN tốt để cho vay, nên tăng trưởng tín dụng vẫn không cao, do điều kiện vay quá chặt”.

Rõ ràng, tăng trưởng tín dụng muốn đạt mục tiêu đặt ra thì các ngân hàng cần phải có chính sách phù hợp hơn. Đặc biệt, chỉ khi nào lãi suất thấp, nhưng điều kiện vay được nới lỏng thì người vay mới tiếp cận được vốn.


Bài, ảnh: AN NHIÊN



 


.