(Báo Quảng Ngãi)- Từng được hỗ trợ mua bảo hiểm (BH) khi vay vốn ưu đãi đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 89), thế nhưng, hiện chính sách này đang bị “gián đoạn”, khiến cả ngư dân và ngân hàng lo lắng.
Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới 118 tàu theo Nghị định 67. Trong đó, đóng mới 19 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, 68 tàu khai thác xa bờ, còn lại là tàu nâng cấp. Hiện các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 41 chủ tàu, cam kết cho vay gần 330 tỷ đồng, đã giải ngân trên 260 tỷ đồng.
Ngân hàng và ngư dân đứng trước rủi ro
Tàu khai thác hải sản xa bờ thường có công suất lớn, giá trị cao, nhưng khi tàu gặp rủi ro, tai nạn thì công ty BH đánh giá tàu thấp hơn nhiều so với giá trị ban đầu. Thậm chí, một số công ty BH còn tìm mọi cách né tránh việc bồi thường, hoặc bồi thường với tỷ lệ thấp, nên ngân hàng không thể thu hết nợ qua BH, dẫn đến gia tăng nợ xấu.
Tàu đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Nguyễn Thủy, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) sắp hạ thủy. |
Còn về phía ngư dân, họ cũng bị thiệt hại vì đã bỏ vốn đối ứng từ 5% - 30%, tùy theo điều kiện. Đó là chưa kể, trong quá trình ra khơi, tàu có một số thiết bị bị hư hỏng, buộc phải thay thế khiến chi phí đội lên, nhưng không được tính BH, khiến ngư dân chịu thiệt.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng: “Việc hỗ trợ mua BH tàu cá cho ngư dân là rất cần thiết. Do đó, việc ngắt hỗ trợ trong thời gian vừa qua khiến ngư dân lao đao, trong khi họ đang khó khăn trong việc trả nợ. Nếu xảy ra sự cố thì ngân hàng rất khó tránh khỏi nợ lớn. Vì thế, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ mua BH tàu cá cho ngư dân”.
Còn theo chia sẻ của nhiều chủ tàu, tiền vay ngân hàng đôi khi không đủ để đầu tư tàu, nên phải vay thêm bên ngoài. Mỗi đợt đánh bắt về vừa phải trả cho ngân hàng, vừa phải trả nợ ngoài. Chưa kể, để con tàu ra khơi, tiền chuẩn bị cho chuyến đi cũng mất vài trăm triệu. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập từ khai thác hải sản rất bấp bênh. Nhiều khi không gặp được luồng cá, cũng không thể nán lại ngoài khơi, đành chịu lỗ chi phí cho chuyến đó. Ngay cả những lúc được mùa, giá bán hải sản thường do thương lái đưa ra, nên đôi khi ngư dân còn bị ép giá...
Bảo hiểm là "bùa hộ mệnh" Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá cả các mặt hàng thủy hải sản giảm mạnh, cộng với biến đổi khí hậu... đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh bắt, cũng như tiềm ẩn rủi ro khi khai thác trên biển. Do vậy, BH tàu cá như “bùa hộ mệnh” giúp ngư dân an tâm mỗi chuyến ra khơi. |
Nghị định 89 quy định, mức hỗ trợ chi phí mua BH cho tàu có công suất từ 400CV trở lên là 90%, tàu từ 90CV đến dưới 400CV là 70% đã giúp ngư dân an tâm vươn khơi. Song, do chính sách bị “ngắt quãng”, nên từ cuối năm 2016 đến nay ngư dân vẫn chưa được hỗ trợ chi phí mua BH.
Đơn cử, đầu năm 2017, Agribank - Chi nhánh huyện Tư Nghĩa chấp thuận cho ngư dân Nguyễn Thủy, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vay trên 2 tỷ đồng đóng mới tàu hành nghề lưới rê. Sau thời gian khẩn trương đóng, tàu của anh Thủy sắp hoàn thành. Thế nhưng, khi nói đến chuyện mua BH, anh Thủy rất lo lắng. “Biển giã ngày càng khó khăn. Tàu công suất lớn đều đánh bắt xa bờ nên mức độ nguy hiểm càng lớn. Mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá cho ngư dân, chứ như thế này, ngư dân đã khó, lại càng khó!”.
Thực tế, các ngân hàng đã tạo điều kiện, nhưng việc ngư dân tiếp cận vốn vay vẫn gặp khó khăn. Trong đó, việc thẩm định tàu còn nhiều vướng mắc. Như chưa có quy định về định mức hay giá trị của một con tàu cho một nghề cụ thể. Về thời gian khấu hao tài sản cũng chưa có quy định phù hợp. Nếu áp dụng khấu hao theo thực tế thì tổng mức chi phí cao, dẫn đến lợi nhuận thấp và không đảm bảo nguồn trả nợ. Trong khi theo quy định của Nghị định 89, thời gian tối đa cho vay đối với tàu vỏ thép là 16 năm và tàu vỏ gỗ là 11 năm.
Bài, ảnh: HỒNG HOA