Tàu 67 phát sinh nợ quá hạn: Ngư dân khó, ngân hàng lo

03:02, 09/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ ngân hàng lo rủi ro xảy ra nợ xấu, mà ngư dân cũng sẽ gặp khó khăn khi tàu 67 phát sinh nợ quá hạn, vì sẽ không được tiếp tục thụ hưởng những ưu đãi về lãi suất theo Nghị định 67.

TIN LIÊN QUAN

Nếu bị xếp vào nhóm nợ quá hạn và chuyển nhóm nợ, ngư dân không được thụ hưởng mức lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67 là 1%/năm, mà phải chịu mức lãi suất thị trường. Điều này sẽ khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.

Nợ vì... lỗ tổn

Sau 4 phiên biển ra khơi cùng con tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67, ngư dân Trương Văn Chín, xã Phổ Quang (Đức Phổ) rơi vào cảnh nợ nần, thua lỗ. “Tàu mới, thiết bị mới nên tôi vừa sử dụng, vừa điều chỉnh, lại vừa tiếp tục đầu tư. Trong khi đó, hiệu quả khai thác hải sản không như mong đợi nên tôi chỉ trả được tiền lãi, nợ tiền gốc”, ông Chín giãi bày.

 

Lao động trên tàu ngư dân Trương Văn Chín nạp đá để vươn khơi vào ngày 11 tháng Giêng.
Lao động trên tàu ngư dân Trương Văn Chín nạp đá để vươn khơi vào ngày 11 tháng Giêng.


Để đóng chiếc tàu vỏ thép công suất 822CV, với tổng mức đầu tư gần 16 tỷ đồng, ông Chín được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Quảng Ngãi đồng ý cho vay hơn 15 tỷ đồng. Sau một năm ân hạn, mỗi quý ông Chín phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho BIDV Quảng Ngãi tổng số tiền gần 287 triệu đồng. Nhưng đến quý IV năm 2016, ông Chín chỉ trả được gần 37 triệu đồng tiền lãi, không có khả năng thanh toán 250 triệu đồng tiền gốc.

Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Thanh Hồng, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng không trả nợ đúng hạn hơn 174 triệu đồng tiền gốc và lãi hàng quý cho BIDV Quảng Ngãi. Chiếc tàu vỏ thép của ông Hồng trị giá trên 17 tỷ đồng. Trong đó, BIDV Quảng Ngãi cho vay 15,6 tỷ đồng. Tàu hoàn thành, đi vào khai thác từ tháng 9.2016. Nhưng hiện tại, ông Hồng chỉ trả được 100 triệu đồng tiền gốc, còn nợ 174 triệu đồng (trong đó có 14 triệu đồng tiền lãi). “Ai chẳng muốn mình làm ăn hiệu quả. Nhưng biển giả lúc được lúc mất, việc khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn nên bất đắc dĩ tôi mới nợ ngân hàng”, ông Hồng bày tỏ.

Theo báo cáo của BIDV Quảng Ngãi, hiện đơn vị cho 3 chủ tàu vay đóng mới theo Nghị định 67 không thực hiện đúng và đầy đủ việc trả nợ, dẫn đến tình trạng phát sinh nợ quá hạn. Vì vậy, để tránh rủi ro nợ xấu, BIDV Quảng Ngãi đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ đơn vị trong việc thu hồi nợ.

Cần tiếng nói chung

Ông Nguyễn Thành Phước- Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi cho biết, thực hiện Nghị định 67, BIDV Quảng Ngãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay. Ngoài việc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ các thủ tục hành chính, đơn vị cũng đã giải ngân kịp thời và đúng tiến độ số tiền vay trên 75,7 tỷ đồng cho 6 ngư dân đóng mới tàu vỏ thép và vỏ gỗ. Nhưng sau một năm ân hạn, 3/6 ngư dân thiếu thiện chí trả nợ cho ngân hàng. “Ngư dân làm ăn hiệu quả, nhưng vì ỷ lại chính sách của Nhà nước nên thiếu ý thức và trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, dù chúng tôi đã nhiều lần động viên, nhắc nhở”, ông Phước khẳng định. Vì vậy, để không dẫn đến rủi ro nợ xấu, cũng như tránh tạo tiền lệ xấu khi cho vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67, bên cạnh việc chuyển nhóm nợ, sắp tới BIDV Quảng Ngãi cũng sẽ thực hiện việc khởi kiện xử lý tài sản để thu hồi nợ, nếu các chủ tàu vẫn không hoàn trả nợ.

Ngư dân Trương Văn Chín cho rằng: “Nếu phải trả lãi suất theo lãi xuất thị trường (7%/năm-PV) thì tôi phải “treo tàu”; chứ số tiền lãi tăng 7 lần, làm sao tôi xoay xở được”. Vì vậy, để tránh rơi vào tình trạng trên, ông Chín đã đề nghị BIDV Quảng Ngãi tạo điều kiện phân đều số tiền nợ 250 triệu đồng sang các quý của năm 2017 để thuận lợi hơn trong việc thanh toán.

Xảy ra tình trạng trên, cả ngân hàng lẫn ngư dân đều không mong muốn. Ông Nguyễn Thành Phước cũng cho rằng, ngân hàng luôn mong ngư dân làm ăn hiệu quả để vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. “Vì vậy, chúng tôi rất mong UBND tỉnh có hướng xử lý phù hợp, vừa tạo điều kiện cho ngư dân, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của BIDV cũng như việc thực thi chính sách trong thời gian tiếp theo”, ông Phước cho biết.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.