(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động xuất khẩu (XK) của tỉnh những năm gần đây có chiều hướng giảm sút và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc vốn ẩn chứa bấp bênh, rủi ro. Hướng tới sự đa dạng hóa, tạo sự bền vững cho XK đang đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực tìm kiếm thị trường mới...
Rời sự phụ thuộc
Do điều kiện tương đồng về văn hóa, gần về địa lý, nên hàng hóa của Quảng Ngãi, đặc biệt là gỗ dăm, tinh bột mì chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Còn các thị trường khác chiếm tỷ lệ rất thấp. Khi thị trường Trung Quốc chững lại kéo theo hàng hóa tồn đọng, DN rơi vào khó khăn.
Năm 2015 - 2016, tinh bột mì xuất sang Trung Quốc liên tục giảm giá, thậm chí chưa bằng giá thành sản xuất ra sản phẩm, khiến DN thua lỗ. Giá gỗ dăm XK cũng trong tình cảnh tương tự, giá xuống thấp theo từng tháng, từng đơn hàng, nhưng DN không biết rõ nguyên nhân.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty Vinatex Đức Phổ. |
Trước tình thế trên, một số DN trong tỉnh đã phải mạnh dạn tìm đến các thị trường mới. Điều này tuy đòi hỏi bản lĩnh của DN trên thương trường, nhưng bù lại sẽ không bị "chết" khi đối tác thu hẹp, cắt hợp đồng nhập khẩu.
Hiện tại, một số DN của Quảng Ngãi đã thành công trong xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa sang thị trường mới như Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Mỹ, Na Uy... Có DN không ngại bỏ ra chi phí để tập trung cho việc tìm kiếm thị trường, tìm hiểu đối tác, đàm phán, ký kết hợp đồng XK. Các chủ DN cho rằng, lẽ ra việc tìm thị trường mới phải được tính toán từ trước đó nhiều năm, song do tiềm lực tài chính, nhân lực chưa cho phép.
"Ở thời điểm hiện tại, nếu không nỗ lực bứt phá tìm thị trường mới để XK, nhiều khả năng DN phải đối diện với nguy cơ phá sản. Chậm nên phải nỗ lực gấp đôi ba lần, chứ không thể đứng nhìn DN đi đến bờ vực thẳm", Giám đốc Công ty TNHH chế biến gỗ Hoàn Vũ Lưu Văn Bảy cho biết. Với phương châm này, từ đầu năm 2017 đến nay, DN gỗ Hoàn Vũ đã đàm phán thành công và xuất nhiều container bàn ghế sang Mỹ, Úc, thay vì trước đó chủ yếu xuất sang Đài Loan.
Với các nhà máy thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, nếu như trước đây chủ yếu xuất sang Trung Quốc, thì nay thị trường XK đã đến hàng chục nước trên thế giới. Tính riêng nước khoáng Thạch Bích, trong 3 tháng đầu năm 2017 đã xuất khoảng 30 container đi thị trường Nepal, Dubai, Úc. Hiện tại nhà máy này đang đàm phán với đối tác Nhật Bản ký kết hợp đồng XK số lượng lớn sản phẩm nước khoáng có gas. Nhà máy bánh kẹo Biscafun, ngoài thị trường Trung Quốc, nhiều đơn hàng số lượng lớn đã chính thức rời nhà máy sang Campuchia, Lào và Nga.
Cơ hội song hành cùng thách thức
Sau một thời gian dài tìm hiểu thị trường XK, nhiều DN trong tỉnh đã đúc kết: "Mỗi thị trường đều có cơ hội và thách thức". Thị trường Nga khá dễ tính, nhưng khâu thanh toán lại khó khăn. Thị trường Mỹ, tuy hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt, nhưng pháp luật rõ ràng, ít rủi ro nếu việc ký kết XK đã hoàn thiện. Thị trường Châu Phi tiềm năng dồi dào, song việc tìm hiểu, nghiên cứu, tìm đối tác lại không dễ dàng, trong khi năng lực cạnh tranh của DN trong tỉnh còn hạn chế. Nhiều DN trong tỉnh than phiền rằng, sự sát cánh, hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh đối với hoạt động XK còn quá hạn chế. Đặc biệt là lĩnh vực giúp DN thu thập thông tin thị trường XK thì dường như tại Quảng Ngãi, DN phải "tự bơi".
Trao đổi về vấn đề hỗ trợ DN tiếp cận thị trường XK, đưa hàng hóa của Quảng Ngãi ra thế giới, Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho biết: Từ năm 2017, ngành công thương có một chiến lược mới, cụ thể cho từng thời điểm. Gần nhất là trong tháng 4.2017, ngành sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về hội nhập TPP với ưu đãi XK sang thị trường Hàn Quốc.
Những DN nào quan tâm đến thị trường này sẽ có cơ hội nắm bắt thông tin, gặp gỡ, trao đổi với đơn vị là nhịp cầu nối Quảng Ngãi với thị trường Hàn Quốc. "Ngành công thương sẽ tập trung giúp DN vươn tới từng thị trường cụ thể, không dàn trải. Mục tiêu là gia tăng cơ hội XK thực thụ cho DN vào thị trường Hàn Quốc. Sau đó, sẽ tiếp tục tìm hiểu nguyện vọng, xem DN cần gì trong tiếp cận các thị trường khác. Tuy nhiên, ngành công thương cũng mong DN phải chủ động bám sát nhu cầu, xuất bán những gì thị trường nước ngoài cần mua, chứ không chỉ là bán những gì mà DN đang có".
Bài, ảnh: THANH NHỊ