Làm giàu trên đất gò đồi

09:04, 16/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tận dụng lợi thế diện tích đất đồi núi, nhiều nông dân ở các xã Hành Tín Tây, Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) đã mạnh dạn phát triển, nhân rộng mô hình kinh tế gia trại, trang trại. Hướng đi này hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

TIN LIÊN QUAN

Là một trong những người tiên phong phát triển mô hình kinh tế trang trại ở xã Hành Tín Tây, hiện nay trung bình mỗi năm anh Nguyễn Khánh thu nhập hơn 500 triệu đồng. Từ việc chăn nuôi heo, gà, sau một thời gian học hỏi về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi anh Khánh mở rộng sản xuất trang trại khép kín theo mô hình “vườn, ao, chuồng”. Hiện nay, trang trại của anh Khánh có hơn 60 con heo nái; 100 gốc sầu riêng, bưởi da xanh; ao nuôi cá có diện tích hơn 600m2 và hơn 5ha keo...

Từ việc chăn nuôi heo nái, bò, gà và trồng keo, trung bình mỗi năm gia đình bà Đào Thị Thanh Ngoan, ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) thu về hơn 200 triệu đồng.
Từ việc chăn nuôi heo nái, bò, gà và trồng keo, trung bình mỗi năm gia đình bà Đào Thị Thanh Ngoan, ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) thu về hơn 200 triệu đồng.


Có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại, gia trại như anh Khánh, nên nhiều hộ dân ở xã Hành Tín Tây đã học hỏi và triển khai mô hình này. Đa số nông dân đều chọn cách “lấy ngắn nuôi dài”, chăn nuôi bò kết hợp với trồng keo, sau đó mở rộng đầu tư chăn nuôi như heo, gà, vịt và trồng cây ăn quả với số lượng lớn.

Thực hiện mô hình kinh tế gia trại đã hơn 4 năm, ông Phan Tám rất phấn khởi khi trung bình mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng, thu nhập tăng lên đáng kể so với trước. Ông Tám vui mừng, cho hay: “Ngày trước cả gia đình làm vài sào lúa, trồng vài hécta keo nên kinh tế không dư giả mấy. Sau khi được sự khuyến khích của địa phương và học hỏi các mô hình kinh tế gia trại của những hộ đi trước, nên gia đình tôi vừa phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rừng, nhờ đó kinh tế gia đình khấm khá hơn". Hiện nay, gia đình ông Tám chăn nuôi hơn 25 con heo nái, trung bình mỗi năm xuất bán từ 2-3 lứa; nuôi 1.000 con gà đồi lấy thịt, 5 con bò sinh sản và trồng 3ha keo.

Chính nhờ biết cách tận dụng lợi thế đất đồi núi để chăn nuôi kết hợp trồng keo, cây ăn quả, nên đời sống của nhiều hộ dân ở xã Hành Tín Tây ngày càng ổn định và phát triển. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Hành Tín Tây, toàn xã có hơn 50 hộ sản xuất theo mô hình kinh tế gia trại, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 100 triệu đồng/hộ; có 5 hộ đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại, thu nhập bình quân từ 300-500 triệu đồng/năm/hộ.

Cũng là xã miền núi, có diện tích đất đồi lớn, xã Hành Tín Đông cũng tập trung phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại với hình thức nuôi heo ky, bò, gà kết hợp trồng cây ăn quả, trồng keo. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Tín Đông Trần Ngọc Phái cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 3 trang trại lớn; gần 60 hộ phát triển mô hình kinh tế gia trại có mức thu nhập bình quân mỗi năm hơn 100 triệu đồng. "Nhờ biết cách tận dụng lợi thế đất gò đồi để trồng trọt, chăn nuôi, nên dù là xã miền núi nhưng địa phương đã về đích nông thôn mới, cuộc sống bà con ngày càng khấm khá hơn", ông Phái phấn khởi cho biết.


Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.