Hồn quê trong máng nước đồng

09:04, 29/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Khi nông thôn mới hiện diện khắp mọi miền quê, những công việc đồng áng thủ công đã hiếm gặp. Chạy xe tạt qua thửa ruộng trổ bông, bất giác bắt gặp hình ảnh cụ bà trạc tuổi 70 “dồn lực” đẩy máng sắt tiếp nước cho lúa, cả một trời kỷ niệm như ùa về, miên man…

TIN LIÊN QUAN

Cái máng sắt đã thành vật “cổ lổ sĩ” của  người nông dân trong thời buổi khoa học công nghệ lên ngôi. Máy bơm, mương bê tông dẫn nước xuyên suốt nội đồng đã giúp những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vơi bớt nỗi khổ nhọc trong hành trình mưu sinh.

Thế nhưng, ở đâu đó, tại những vùng nông thôn xa xôi vẫn chưa tiếp cận được chương trình nông thôn mới, những cách làm thủ công vẫn còn được lưu giữ, những công cụ thô sơ vẫn trở thành “người bạn” thân thiết, đắc lực.

Cái máng sắt hình thành từ tư duy tìm tòi, cải tiến của người nông dân. Nó tạm được gọi là “thế hệ sau” của gàu sắt, gàu dây- những vật dụng dùng để tát nước cứu ruộng, cứu lúa khi nắng hạn kéo dài.

Hồn quê trong máng nước đồng.
Những công cụ thô sơ như cái máng sắt tát nước vẫn trở thành “người bạn” thân thiết, đắc lực của người nông dân. Ảnh: Thiên Hậu.

Cái gàu sắt, gàu dây tôi vẫn còn nhớ như in về nó. Hồi đó, nhà khá giả thì có tiền mua sắt mới, còn nhà nghèo thì tận dụng các mảnh sắt đã hoen gỉ mua lại từ những cơ sở phế liệu, hoặc đơn giản hơn có thể dùng đến những nan tre. Rồi chúng được uốn thành hình chóp, kết liền với nhau. Một đầu khép kín, một đầu trống để múc nước.

Gàu sắt, gầu dây treo lủng lẳng lên ba thanh tre theo kiểu kiềng ba chân bằng dây dừa tại vị trí giao nhau giữa vũng nước và ruộng. Cứ như thế, buổi này sang buổi khác, người nông dân phải vất vả sớm hôm tát cho ruộng đầy nước, ít nhiều cũng tốn vài ba ngày.

Rồi khi nhận thấy lượng nước của gàu sắt quá nhỏ, người nông dân đã chuyển sang máng sắt, máng tre. Máng có kích thước to hơn, đẩy nước mạnh hơn. Dần dà, cứ đến mùa hạn, nó lại trở thành vật hữu ích, có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

 

Cận cảnh chiếc máng sắt được trưng bày ở một bảo tàng lưu giữ các nông cụ. Ảnh: Internet.
Cận cảnh chiếc máng bằng nan tre được trưng bày ở một bảo tàng lưu giữ các nông cụ. Ảnh: Internet.

Vẫn nhớ những đêm trăng sáng cả mảng trời, chưa tan bữa cơm tối, ba mẹ tôi phải tất tả chạy ra sau hè vớ lấy máng sắt bon bon ra ngoài đồng khi nghe tiếng báo thủy nông mở nước, vì sợ hết “phần”. Thế là, chị em chúng tôi ùa nhau chạy theo.

Tiếng ếch, nhái vui nước kêu rầm lên, nhảy tanh tách. Bóng ba mẹ đổ xuống đồng theo ánh trăng rọi, lúc ẩn lúc hiện. Nước từ máng sắt tuôn ào ào vào khoảnh ruộng nhờ đôi bàn tay thoăn thoắt của hai người, bọt tung trắng xóa. Cả mấy sào ruộng gần như chết khô được hồi sinh, cựa mình xanh ngắt thay cho màu đỏ cháy.

Chúng tôi ngồi đó, trên bờ mương, thấy rõ từng vết mồ hôi đổ xuống gương mặt đấng sinh thành, chớm khô nhờ làn gió đồng mát rượi phả vào. Dù thấm mệt nhưng ba mẹ vẫn nở nụ cười thật tươi vì đồng lúa cuối vụ được cứu sống.

Bước vào tuổi đôi mươi, cũng là lúc hình ảnh máng sắt rơi vào dĩ vãng. Nó đã thưa đi và khó tìm thấy trên những thửa ruộng năm ấy. Chỉ có những cụ bà, cụ ông đau đáu gìn giữ mới gắn bó. Và thật may, nó vẫn chưa mất vĩnh viễn.

Có thể bây giờ, nhìn thấy nó, con người ta chẳng mấy hứng thú, thậm chí chê chủ nhân của nó quê mùa vì không bắt kịp thời đại công nghệ. Riêng tôi, tôi vẫn thấy máng sắt rất đỗi thân quen, mà nếu không có sự hiện diện của nó thì chẳng có đủ đầy một miền ký ức về vùng quê chân lấm tay bùn, những đồng lúa trĩu nặng hạt nhờ nuôi dưỡng bởi nguồn nước mát từ máng sắt…

Bài, ảnh: Thiên Hậu
 


.