Hồn quê hương ở đất Quảng Ngãi

07:02, 08/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhịp sống ở Quảng Ngãi ngày càng phát triển đã thu hút nhiều người tỉnh khác đến sinh sống, làm ăn. Họ đã mang những món ăn truyền thống đậm chất quê mình đến với Quảng Ngãi, góp phần tạo nên những món ăn độc đáo, hấp dẫn, đa dạng của các vùng miền.

Bún ốc Hà thành

Có tuổi đời gần 30 năm, quán phở bắc - bún ốc trên đường Phạm Xuân Hòa (TP.Quảng Ngãi) luôn đông khách. Nằm trên một con đường nhỏ, không gian của quán cũng không rộng lắm, nhưng đây là địa chỉ quen thuộc của người gốc Bắc và là điểm đến thú vị với nhiều người Quảng Ngãi.

Bà Lê Thị Thu Hà, chủ quán kể: “Trước kia đây là quán của mẹ chồng tôi rất nổi tiếng trong vùng, mà ngày trước mọi người hay gọi là phở bà Sính. Quán bán phở bắc này có từ những năm 1988. Sau đó tôi về làm dâu mới bán thêm bún ốc. Tính đến nay, món bún ốc có mặt ở quán này cũng xấp xỉ 18 năm rồi”.

Cha bà Hà là người Quảng Ngãi tập kết ra Bắc kết hôn với mẹ bà là người Hải Phòng. Điều trùng hợp nữa là gia đình nhà chồng bà Hà cũng có cha là người Quảng Ngãi tập kết và kết hôn với cô gái Hà Nội.

Nhờ gánh hàng bánh bèo tôm chấy trên đất Quảng, gia đình chị Hường đã có đời sống ổn định.
Nhờ gánh hàng bánh bèo tôm chấy trên đất Quảng, gia đình chị Hường đã có đời sống ổn định.


Từng sinh sống, học tập nhiều năm liền ở miền Bắc, đến khi cả gia đình quyết định trở về quê, bà Hà "mang theo" những món ăn xứ Bắc về Quảng Ngãi. Trong đó bà chọn món bún ốc bung có cách nấu cầu kỳ, công phu và nhiều gia vị. Theo bà Hà, bún ốc Hà Nội được nấu theo hai kiểu bún ốc luộc và bún ốc bung. Bún ốc luộc chỉ cần luộc ốc, đến khi múc ra tô cho nước dùng là nước luộc ốc, thêm bún và thịt ốc. Còn bún ốc bung nấu với nước hầm xương, chuối, đậu khuôn chiên, nước dấm bổng, dọc mùng, nghệ tươi, lá lốt, tía tô, cà chua, hành ngò.

Vào những năm đầu tái lập tỉnh, Quảng Ngãi chỉ có vài quán phở bắc. Bây giờ, nhiều người mở quán hơn. Còn bún ốc bung hầu như chỉ có quán của bà Hà.

Theo như cách nấu của người miền Bắc, bún ốc bung kèm thêm ít mắm tôm, thịt ba chỉ. Nhưng để phù hợp với khẩu vị của người miền Trung, bà Hà “biến tấu” món ăn với mắm ruốc, chả cuốn lá lốt. Món ăn vừa mang hương vị xứ Bắc kết hợp với miền Trung. Nhất là trong tiết trời se se lạnh món bún ốc với vị chua thanh, đậm đà của nước dùng, bùi bùi của chuối, giòn và dai của ốc... là món ăn mang đậm hương vị Hà thành thú vị với nhiều người miền Trung.

Bánh bèo tôm chấy

Những năm qua, cùng với món bánh bèo có hỗn hợp nhân sền sệt truyền thống của người Quảng Ngãi, nhiều người còn thích thú với món bánh bèo tôm chấy. Đây là món ăn dân dã do nhiều người Huế đã chọn Quảng Ngãi làm quê hương thứ hai mang đến.

Có “thâm niên” 13 năm bán các món ăn mang hương vị xứ Huế như bánh bèo tôm chấy, bánh bột lọc, mỗi buổi chiều, gánh hàng nhỏ của chị Nguyễn Thị Hường, quê ở Phong Điền (Huế) trên đường Nguyễn Bá Loan luôn đông khách.
Chị Hường kể, gia đình ở Huế chuyên bán món bánh bèo tôm chấy truyền thống, nên chị quyết định chọn món ăn này để “lập nghiệp” nơi đất khách. Ban đầu, chị gánh bánh đi bán, sau này mua xe đẩy bán trên các tuyến đường. Còn bây giờ, chị thuê nhà làm nơi buôn bán.

Trung bình mỗi ngày vợ chồng chị Hường bán khoảng 2.500 chiếc bánh bèo. “Bánh bèo của người Huế có cách làm giống như bánh bèo người Quảng Ngãi, nhưng nhỏ hơn. Còn tôm chấy làm từ thịt tôm luộc bỏ vỏ, giã nhuyễn, rang khô. Ở quê đời sống khó khăn lại không có điểm bán nên hai vợ chồng bàn nhau vào Quảng Ngãi làm ăn. Sau nhiều năm tiết kiệm, hai vợ chồng chị Hường đã mua được đất, xây nhà. Bây giờ, kinh tế đã ổn định nên cứ đến cuối năm là cả nhà cùng về Huế ăn Tết”, chị Hường bộc bạch.

Cùng với nhiều món ăn đa dạng, phong phú của người miền Trung, món bánh bèo tôm chấy của xứ Huế đã hấp dẫn người ăn với dĩa bánh bèo trắng nõn, màu hồng nổi bật của tôm chấy, da heo chiên giòn, nước mắm ngọt dịu cộng với vị cay của ớt.

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


CÁC TIN KHÁC
.