Nỗ lực gỡ nợ đọng xây dựng nông thôn mới

10:03, 24/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Song với việc xây dựng và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương đang dồn lực để trả nợ xây dựng cơ bản.

TIN LIÊN QUAN

Ưu tiên xử lý nợ đọng
 
Xã Đức Nhuận (Mộ Đức), là một trong những xã đi đầu trong phòng trào xây dựng NTM của tỉnh, đi kèm với sự vui mừng, đổi thay từng ngày trên quê hương với kết cấu hạ tầng đồng bộ, đường làng ngõ xóm khang trang, ruộng đồng gọn vùng, gọn thửa,… thì nợ đọng xây dựng là nỗi lo của chính quyền và nhân dân xã nhà trong suốt 2 năm qua.
 
Để đạt tiêu chí NTM, năm 2015, Đức Nhuận đã đồng loạt đầu tư các công trình cơ bản khoảng 25 tỷ đồng. Khi ấy khoản nợ của xã lên đến 18 tỷ đồng. 
 
Đến nay, Đức Nhuận đã rút nợ đọng xuống còn 9,9 tỷ đồng. Khoản nợ này thuộc về nguồn vốn đối ứng (10%) của xã, trong đó nhân dân phải đóng góp là 6,6 tỷ đồng và 3,1 tỷ đồng thuộc về phần chính quyền địa phương.
 
Ông Huỳnh Văn Ảnh- Chủ tịch UBND xã cho biết, phương án gỡ nợ đọng đang là ưu tiên số 1 của chính quyền địa phương. Đảng ủy đã thông qua nhiệm vụ, kế hoạch đột phá để kêu gọi sự chia sẻ từ nhân dân và đã huy động được 1 tỷ đồng từ nhân dân đóng góp trong năm 2016.
 
 
Việc chú trọng vào cơ sở hạ tầng đã dẫn đến phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Ảnh: Minh họa.
Việc chú trọng vào xây dựng hạ tầng đã dẫn đến phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Ảnh: Minh họa.
 
“Về phần nợ của chính quyền sẽ vận động đóng góp trong quá trình cấp đất ở với những đối tượng có nhu cầu, điều này cũng được đại đa số nhân dân đồng tình ủng hộ. Riêng phần nợ của dân, cả hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận khéo để dân biết chia sẻ”- ông Ảnh cho biết thêm.
 
Xã Hành Tín Tây và Hành Dũng là hai xã cuối cùng của huyện Nghĩa Hành đăng ký về đích NTM, hoàn thành trong năm 2017. Trong khi xã Hành Tín Tây chỉ còn nợ đọng 170 triệu đồng thì số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản của xã Hành Dũng đến hơn 4,1 tỷ đồng.
 
Đây là số tiền không nhỏ với một địa phương mà công tác huy động vốn từ các doanh nghiệp, vốn nhân dân và các nguồn lực khác còn quá ít do các doanh nghiệp trên địa bàn xã chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhân dân thì còn nghèo, dẫn đến vốn đối ứng cho các công trình rất khó khăn do xã không tìm được nguồn thu. 
 
Theo lộ trình ban đầu, cuối năm 2015, Hành Dũng hoàn thành các tiêu chí NTM, thế nhưng hiện tại Hành Dũng mới chỉ đạt 15 tiêu chí. 
 
Củng cố lại hệ thống chính trị, an ninh trật tự, triển khai xây dựng để hoàn thành 2 tiêu chí giao thông và thủy lợi, phương án để gỡ nợ đọng đang là đang là mối lưu tâm của cả chính quyền và nhân dân, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy định điều kiện không có nợ đọng xây dựng cơ bản mới được công nhận NTM.
 
Địa phương đã kiến nghị các giải pháp lên cấp trên để có kế hoạch trả nợ trong thời gian sớm nhất và hạn chế nợ phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản cho những công trình tiếp theo.
 
 
Phần lớn nọ đọng hiện này phát sinh từ xây dựng đường bê tông liên thôn.
Phần lớn nợ đọng vốn đối ứng của xã phát sinh từ việc xây dựng đường bê tông nông thôn.
 
“Xã đã đề nghị huyện giao cho xã tổ chức đấu giá 2 khu đất với hơn 35 lô để xin nguồn vượt thu và huy động nhân dân tích cực đóng góp để trả nợ trong thời gian sớm nhất”- ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hành Dũng cho hay.
 
Giảm nhanh
 
Theo thống kê của của Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương đã giảm đáng kể. 
 
Nếu như giữa năm 2016, nợ đọng trong toàn tỉnh là 273 tỷ đồng thì nay giảm xuống còn 103,6 tỷ đồng. Mộ Đức đang dẫn đầu với 33,9 tỷ đồng, Nghĩa Hành hơn 30 tỷ đồng, Tư Nghĩa 11,7 tỷ đồng, Đức Phổ 11,1 tỷ đồng,…
 
Theo các địa phương, để sớm giải quyết nợ đọng, các địa phương đã chủ động và từng bước có giải pháp xử lý, khắc phục vấn đề nợ xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí các nguồn vốn, tích cực huy động từ nhiều nguồn lực, ưu tiên những khoản ngân sách nhàn rỗi để tập trung trả nợ.
 
Ông Lê Quang Nhu- Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Nghĩa Hành cho biết, trong khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn của huyện là 25 tỷ đồng. Huyện đã có kế hoạch phân khai 8 tỷ đồng để trả nợ đọng và phấn đấu giải quyết dứt điểm trong năm 2017. 
 
Về phần vốn đối ứng của xã, huyện cũng đang xem xét cho các xã thu tiền từ quỹ đất, khai thác các bãi cát bồi vừa khơi thông dòng chảy vừa tận dụng nguồn khoáng sản để địa phương có tiền trả nợ cùng với việc huy động từ nhân dân, doanh nghiệp đóng góp.
 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
 

.