(Báo Quảng Ngãi)- Trồng giá trong thùng phuy và chăn nuôi trên sàn là hai phương thức sản xuất mới của hộ gia đình anh Võ Văn Trang và chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành).
Chăn nuôi trên sàn
Với diện tích hơn 600m2 đất trũng trước nhà, anh Võ Văn Trang (34 tuổi) ở thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận đã tận dụng xây chuồng, trại để chăn nuôi. Tuy nhiên, điều đặc biệt là hơn 400 con heo thịt, 25 heo nái và 6 con bò của anh đều được nuôi trên sàn, cách ly hoàn toàn với mặt đất.
Tuy xuất thân là một kỹ sư xây dựng, nhưng được đi nhiều nơi, tìm hiểu được nhiều phương thức chăn nuôi mới lạ ở nhiều vùng miền, nên tháng 4.2016, anh Trang quyết định đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi riêng cho mình. Mới đầu, anh nuôi gần 300 con heo thịt, sau đó anh quyết định tăng đàn và đầu tư nuôi heo nái để lấy giống.
Anh Võ Văn Trang bên mô hình chăn nuôi trên sàn của mình. |
Khi thấy mô hình cho những kết quả khả quan, nên anh đầu tư và nuôi thêm 6 con bò thịt. Nhờ kỹ thuật chăn nuôi cùng với cách thức mới, nên lứa đầu tiên xuất chuồng, anh Trang thu về hơn 1 tỷ đồng. “Hồi trước mình cũng từng ở Đồng Nai, thấy nhiều mô hình nuôi heo trên sàn của họ rất hiệu quả. Sau khi về quê, mình cũng muốn thử sức và mô hình nuôi heo, bò trên sàn là lựa chọn của mình. Cách làm này tuy không mới, nhưng tiết kiệm được diện tích và đảm bảo chất lượng trong chăn nuôi”, anh Trang cho biết.
Theo anh Trang, chăn nuôi trên sàn có rất nhiều ưu điểm. Việc vệ sinh chuồng trại, xử lý nước thải được thực hiện bài bản theo hệ thống, nên đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, chuồng trại không tiếp xúc với mặt đất nên khô ráo, từ đó hạn chế được việc lây lan dịch bệnh. “Khi xây dựng chuồng trại, tôi đã tính toán và đúc trụ cao. Nhờ đó đến mùa lạnh vật nuôi cũng không bị rét và mùa nóng cũng không ẩm; chất thải cũng được xử lý dễ dàng và hạn chế được dịch bệnh”, anh Trang chia sẻ.
Làm giá sạch trong thùng phuy
Mô hình làm giá trong thùng phuy và bãi sông của chị Nguyễn Thị Thu Thủy, thôn Phúc Minh, xã Hành Thuận cũng được xem là mô hình mới. Đến nay, chị đã có trong tay gần 50 thùng phuy cũ để làm công cụ sản xuất và cung ứng giá sạch "độc quyền” cho toàn chợ Hành Dũng, nhờ đó mỗi năm chị thu về từ 180 – 200 triệu đồng. “Làm giá trong các thùng phuy, mình tiết kiệm được diện tích và cũng rất tiện lợi. Mình không cần phải đi xa vận chuyển, chăm bón mà giá vẫn đảm bảo chất lượng”, chị Thủy cho hay.
Bình quân mỗi thùng phuy làm được 2kg đậu xanh, sau 5 ngày cho thu hoạch từ 15 – 17kg giá và cứ một ký giá chị thu về từ 10 – 12 nghìn đồng. Tuy nhiên, những ngày thời tiết hanh khô, chị Thủy chủ yếu làm giá ở các bãi sông. Theo chị Thủy, việc thay cát, cũng như vệ sinh dụng cụ làm giá phải được thực hiện thường xuyên, nên việc làm giá trong thùng phuy thường áp dụng cho mùa mưa. “Những tháng nắng thì mình làm giá ở các bãi sông, còn những ngày mưa thì làm ở nhà trong thùng phuy mới đủ cung cấp liên tục cho khách hàng. Bên cạnh đó, làm giá trong các thùng phuy tại nhà cũng dễ kiểm soát được chất lượng và số lượng của sản phẩm”, chị Thủy cho biết thêm.
Hiện nay, việc trồng trọt, chăn nuôi gặp không ít khó khăn do sự chuyển biến thất thường của thời tiết. Do đó, một số phương thức sản xuất truyền thống sẽ không còn phù hợp. Từ đó, không ít nông dân như chị Thủy, anh Trang đã mạnh dạn tìm ra phương thức chăn nuôi, trồng trọt mới vừa đảm bảo chất lượng sản xuất vừa phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bài, ảnh: MẠNH KHOA